• 2460 lượt xem
  • 10:27 21/06/2023
  • Xã hội

Bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026 là 2.234.720 biên chế. Số lượng trên không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định số lượng và quản lý tổng biên chế toàn hệ thống chính trị. Trước đây, biên chế Chính phủ, Quốc hội do các đơn vị này quyết; Ban tổ chức Trung ương quản lý biên chế Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, ban đảng cấp Trung ương; cấp huyện, cơ sở do Chính phủ quyết.

Theo đó, trong tổng 1.680.677 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước có 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương đến năm 2026. Ngoài ra còn có 686 biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; 205.571 cán bộ, công chức cấp xã; 1.358 biên chế công đoàn tạm giao các địa phương. 

Trước đó vào đầu năm 2021, tham luận tại hội nghị của ngành Nội vụ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, luôn coi phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu trọng tâm, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc này đang có ba vấn đề lớn, gồm: quy hoạch, rà soát, sắp xếp hệ thống các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông; giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên; thực hiện chế độ chính sách với nhà giáo, liên quan đến thi đua khen thưởng và bồi dưỡng chất lượng. Xuất phát từ nhu cầu giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học do tăng dân số cơ học, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục đề xuất với Thủ tướng xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, theo yêu cầu của Quốc hội.
 

Phạm Ngọc Hà