Biên giới, biển đảo quê hương: Lan toả trách nhiệm bảo vệ môi trường khu vực biên giới, biển đảo

Khu vực biên giới, biển đảo có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để tăng cường phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, ý thức và nhận thức về bảo vệ môi trường của cư dân nhiều khu vực biên giới, biển đảo vẫn còn hạn chế khiến cho việc bảo vệ môi trường sống gặp không ít khó khăn. Chính bởi vậy, việc lan tỏa trách nhiệm bảo vệ môi trường khu vực biên giới, biển đảo đang được các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cùng với người dân đồng lòng quyết tâm thực hiện.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước, đặc biệt biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường. Theo Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam được xếp là một trong số 5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu; xếp thứ 91 trong tổng số 191 quốc gia phải đối mặt với mức độ rủi ro thiên tai cao theo Chỉ số Quản lý rủi ro (INFORM), xếp thứ 16 toàn cầu về tác động nghiêm trọng do thiên tai liên quan đến khí hậu. Việt Nam có 697 sông, suối, kênh, rạch, trong đó có nhiều sông xuyên biên giới như: hệ thống sông Mê Kông, sông Hồng, sông Đằng Giang-Kỳ Cùng, sông Mã… Hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta lượng nước khoảng 520 tỷ m3 (chiếm khoảng 63% nguồn nước mặt).

Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống nguồn nước này bị ô nhiễm nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, khai thác kinh tế biển của con người cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường biển và hải đảo như các sự cố tràn dầu trên biển, rác thải nhựa đại dương, các hoạt động nhận chìm ở biển… đã gây hại nghiêm trọng cho cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh tế trên biển và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân. Theo Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, thống kê từ năm 1992 đến nay có khoảng 190 sự cố tràn dầu xảy ra tại Việt Nam, trong đó có 37 vụ ngoài khơi chiếm 19%, 88 vụ ven bờ chiếm 47% và 65 vụ trên đất liền chiếm 34%. Hoạt động buôn lậu, tồn đọng phế liệu nhập khẩu không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường tại các khu vực biên giới, cảng biển cũng khiến cho môi trường các khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!