• 3398 lượt xem
  • 21:18 21/05/2022
  • Kinh tế

Bí quyết nào giúp Lào Cai đạt 820 tỷ đồng giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản?

Cùng với việc mở rộng vùng sản xuất để chuyển từ phát triển nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo Nghị quyết 10 của Ban thường vụ Tỉnh ủy thì tỉnh Lào Cai cũng đưa ra chủ trương, tạo các chuỗi liên kết trong nông nghiệp. Các nhà đầu tư đồng hành cùng nông dân sản xuất, làm ra sản phẩm, ngay sau đó thu mua và chế biến sâu. Sản phẩm chất lượng cao, tạo được thương hiệu, đạt mục tiêu giảm nghèo.

 Là 1 trong 6 ngành hàng chủ lực được xác định tại Nghị quyết 10 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, cây chè đang khẳng định được thế mạnh, đặc biệt là độ mở của thị trường. Tỉnh Lào Cai có trên 6 nghìn ha chè sản xuất tập trung, sản lượng chè tươi khoảng 38 nghìn tấn/năm. Liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm chè được xuất sang 12 nước Châu Âu và Châu Mỹ.

Ông PHẠM QUANG THẬN - Giám đốc HTX chè Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai: "Doanh nghiệp chúng tôi có hợp đồng thỏa thuận mua bán, cam kết, lúc khó khăn hay được giá thì giá vẫn ổn định. Liên kết thứ hai là nông dân được đào tạo, cam kết của doanh nghiệp khi xây dựng nhà máy, công khai giá thu mua, tất cả nông dân đều được đo bản đồ và vẽ bản đồ. Chúng tôi có các nhóm trưởng và giám sát chéo."

Ngoài cây chè thì Lào Cai có diện tích trồng quế lớn thứ 2 toàn quốc. Đây chính là lợi thế về nguồn nguyên liệu để thu hút nhiều nhà đầu tư đến địa bàn. Doanh nghiệp thu mua, chế biến các sản phẩm từ lá cho đến thân, vỏ quế giúp người dân có thu nhập cao. Tại huyện Bảo Yên, địa phương chiếm 1 nửa diện tích quế của tỉnh, hiện có 6 nhà máy quy mô lớn hoạt động chế biến tinh dầu và vỏ quế xuất khẩu.

Ông BÙI VĂN THÀNH - Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại, Xuất nhập khẩu Việt Bắc, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: “Hiện tại ở Bảo Yên bà con sản xuất quế vẫn thô sơ, khi Việt Bắc vào định hướng lại sản xuất để tạo ra sản phẩm sâu hơn, nâng giá trị sản phẩm lên đến 30%”.

Ông NGUYỄN XUÂN NHẪN - Phó Bí thư thường trực huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: “Đối với cây quế, chúng tôi làm quy trình nông nghiệp tuần hoàn, người dân là chủ thể thực hiện và trong cộng đồng thành lập các tổ, mỗi xã có một hợp tác xã (HTX) thực hiện từ khâu giống, thu mua, sơ chế và bán lại cho nhà máy. Nhà máy sẽ trách nhiệm bố trí một nguồn kinh phí để hỗ trợ cho HTX để tạo quỹ rủi ro và tập huấn cho người trồng quế.”

Tại Lào Cai, liên kết sản xuất và tiêu thụ, chế biến sản phẩm được mở rộng với 57 liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với tổ hợp tác, hộ nông dân theo chuỗi sản phẩm. Quy mô liên kết hiện đạt khoảng 12 nghìn ha, với trên 15 nghìn hộ nông dân tham gia, tổng giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ước đạt 820 tỷ đồng. Phương châm “đi sau về trước” trong lĩnh vực nông nghiệp đã có hiệu quả. 

Ông HOÀNG QUỐC KHÁNH - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: “Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 10, (chúng tôi nhận thấy) sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các kết quả đã đạt được. Chúng tôi thấy rằng phải tập trung hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân trong thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Các nhà máy chế biến, sản xuất cần có sự đầu tư hơn nữa để phát triển”.

Liên kết sản xuất, chế biến, nhất là chế biến sâu, giúp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời cũng đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vũ Thắng