Bát nháo tình trạng "tự phong sao" của các khách sạn

Theo quy định của Luật Du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú được tự nguyện đăng ký xếp hạng sao, việc được cấp đánh giá về thứ hạng sao phải được các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, đánh giá. Tuy nhiên, trên thực tế tại một số địa phương, tình trạng một số cơ sở lưu trú, khách sạn tự phong sao để quảng bá, thu hút du khách đã diễn ra.

Sầm Sơn một địa điểm du lịch nổi tiếng của xứ Thanh, nơi có trên 710 cơ sở lưu trú, với khoảng 25 nghìn phòng nghỉ.

Dù chỉ có 1 khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao, nhưng ngay trên tuyến đường Hồ Xuân Hương, vào thời điểm phóng viên ghi hình, cơ sở lưu trú này cũng gắn biển quảng cáo là khách sạn 5 sao để thu hút du khách.

Việc gắn sao khách sạn thế hiện chất lượng của từng khách sạn, như cơ sở vật chất, thái độ phục vụ…Tuy nhiên, một số khách sạn được xếp hạng sao, nhưng qua thời gian đã xuống cấp, không được tu bổ, sửa chữa cũng khiến giá trị sao không còn nguyên vẹn. Chẳng hạn khách sạn này cũng đạt 4 sao, nhưng đã đưa vào khai thác lâu năm, nên nhìn bên ngoài cũng có có phần xuống cấp, kém sang so với số sao được công nhận

Tự phong sao khách sạn là chiêu thức của không ít cơ sở kinh doanh lưu trú ở nhiều địa phương,thực trạng trên đã gây ra sự nhiễu loạn trên thị trường dịch vụ lưu trú khi chất lượng không đáp ứng yêu cầu. Lúc đó, du khách là người phải chịu thiệt thòi,khi niềm tin bị đặt sai chỗ.

Các cơ quan quản lý về du lịch ở nhiều địa phương đã không ít lần tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật và xử lý vi phạm liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó có quy định về việc quảng cáo hạng sao, nhằm giữ vững và phát triển thương hiệu địa phương... Nhưng trên thực tế việc xử lý gặp không ít khó khăn bởi doanh thu, lợi nhuận hiện nay, cao hơn mức xử phạt.

Chế tài nào để xử lý các cơ sở lưu trú tự phong sao, cố tình quảng cáo sai sự thật để thu hút du khách. Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật trong chương trình ngày mai.

Hữu Nghĩa