Bất đồng tại COP28 về tương lai của nhiên liệu hóa thạch

Các nhà đàm phán tại COP28 hôm qua 1/12 công bố dự thảo đầu tiên của thỏa thuận Liên hợp quốc về hành động vì khí hậu, trong đó kêu gọi các nước cắt giảm hoặc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Tương lai của nhiên liệu hóa thạch và các đề xuất về việc cắt giảm dần hoặc loại bỏ nhiên liệu này là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất tại hội nghị COP28 năm nay.

Trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị COP28, với tư cách là đại diện nước chủ nhà với thế mạnh là nguồn nhiên liệu hoá thạch, Chủ tịch Sultan al-Jaber đã đưa ra đề xuất đưa loại nhiên liệu này vào tương lai. Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres, khi ông bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới có thể cùng nhau đưa ra một kế hoạch về tương lai không còn sử dụng nhiên liệu hoá thạch, nguyên nhân chủ chốt gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Đáp lại lời kêu gọi này, Chủ tịch Sultan al-Jaber cho biết, chính phủ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) luôn sẵn sàng chủ động hợp tác với các công ty nhiên liệu hóa thạch trong vấn đề giảm phát thải với môi trường, khi nhiều công ty khai thác dầu mỏ quốc gia đã áp dụng các mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông al-Jaber khẳng định sẽ nỗ lực kiểm soát mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C khi tiếp tục sử dụng lợi thế nguồn nhiên liệu hoá thạch, để đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Q.T