Bảo tồn, trùng tu di tích lịch sử: Nguồn lực hạn chế, chưa được quan tâm

Làm thế nào để thu hút nguồn xã hội hoá vào công tác bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử cũng như giữ nguyên các di tích này khi tiến hành trùng tu để các di tích không bị trẻ hoá. Đặc biệt làm thế nào để phát triển du lịch di sản với nét đặc sắc của mỗi vùng miền, phát triển du lịch xanh và bền vững.

Trước thực trạng nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết các giải pháp để phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử.

Ông DƯƠNG KHẮC MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Trong thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị có giải pháp căn cơ nào nhằm khắc phục tình trạng di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng..”

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa, Nghị đinh 166/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế. Do vậy, Nhà nước cần đầu tư nguồn lực hơn nữa cho công tác này.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương. Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích."

Một số đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cần quan tâm, đầu tư nguồn lực cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vùng ATK cũng như chính sách thu hút nguồn xã hội hoá vào lĩnh vực này.

Bà ĐIỂU HUỲNH SANG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: “Xâm hại di tích xảy ra phổ biến ở các di tích chưa được xếp hạng thì chưa được Bộ trưởng đề cập đến và vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, đặc biệt là những dự án tu bổ di tích từ ngường vốn xã hội hóa”

Bà HỒ THỊ KIM NGÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò, định hướng, giải pháp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quy hoạch, đầu tư nguồn lực cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử quốc gia đặc biệt”

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch:Trong vấn đề tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, đầu tư cho di tích đã phân cấp nguyên tắc đầu tư, nguyên tắc tôn tạo thì do chính quyền địa phương sở tại làm chủ đầu tư. Các dự án này đều xuất phát từ địa phương và địa phương lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ chỉ thẩm định về tính xâm hại di tích.

Tuy nhiên đối với những di tích như di tích lịch sử cách mạng thì doanh nghiệp chưa mặn mà lắm. Do đó, Bộ sẽ tiếp tục trao đổi để xem xét và sẽ sử dụng các nguồn lực khác thay vì nguồn lực nhà nước như nguồn lực từ vận động tài trợ để làm. Đồng thời Bộ cũng kiến nghị với Chính phủ để ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: “Mặc dù ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã rất nỗ lực, tuy nhiên nhu cầu vốn cho công tác tu bổ, sửa sang di tích nói chung, trong đó có khu di tích lịch sử cách mạng là luôn luôn trong tình trạng thiếu và rất hiếu. Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục cũng rất phức tạp…”

Truyền hình Quốc hội Việt Nam -