Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập

Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đặc sắc với cộng đồng 54 dân tộc anh em. Tuy nhiên với tốc độ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng nhanh chóng, không ít các di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, đặt ra nhiều thách thức trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Giữ vững các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số còn có nghĩa khác là góp phần giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, không chỉ là vai trò của bà con đồng bào thiểu số, các bộ ban ngành mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Hình ảnh những phiên chợ Vùng cao, những thao tác, quy trình thêu dệt thổ cẩm thủ công truyền thống hay những nét đặc trưng trong từng bộ trang phục mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số Việt Nam là những giá trị di sản văn hóa rất cần được bảo tồn và phát huy, quảng bá rộng rãi hơn nữa tới bạn bè trong nước và quốc tế, đặc biệt là trao truyền lại cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên làm sao để giữ vững được những giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập vẫn là một thách thức lớn.

Tại Hội nghị Gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc diễn ra tại Làng Văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, có rất nhiều những đề xuất, kiến nghị của các nghệ nhân trong việc làm thế nào để gìn giữ được những di sản văn hóa dân tộc, xoay quanh các vấn đề liên quan đến nguồn kinh phí để tiếp tục duy trì hoạt động giảng dạy, trao truyền trong các CLB bảo tồn, nâng cao cơ sở vật chất, hay phổ cập nhiều hơn các lớp học về giáo dục di sản .

Nghệ nhân ưu tú HOÀNG GIANG LÂM, Dân tộc Cao Lam, Tỉnh Vĩnh Phúc: “Đến hội nghị hôm nay, tôi cũng đã đề xuất một số đề nghị, chia sẻ, muốn có một nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các CLB bảo tồn văn hóa của các dân tộc. Tôi cũng có đề xuất đề nghị Đảng, các Sở Bộ có hướng để triển khai thành lập những mô hình Làng văn hóa riêng của các dân tộc để các du khách có thể đến giao lưu, học hỏi lẫn nhau.”

 Nghệ nhân CHU HẢI HẬU, Dân tộc Tày, Tỉnh Thái Nguyên: “Tôi cũng mong muốn nghệ thuật hát Then đàn Tính của dân tộc Tày được đưa vào các trường học để được gìn giữ và lưu truyền, cũng mong muốn được lồng ghép các hoạt động với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ sẽ đề xuất với các ban ngành địa phương có giải pháp phối kết hợp để các bạn trẻ có những sân chơi, các nghệ nhân có thể trao truyền lại cho cộng đồng”.

Những cuộc liên hoan trình diễn trang phục dân tộc, các hoạt động tái hiện không gian văn hóa truyền thống như thế này cũng là cầu nối và là dịp để tôn vinh, quảng bá, lưu truyền và phổ cập nhiều hơn những di sản văn hóa tới với đông đảo du khách và các bạn trẻ, nhưng thiết nghĩ việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc còn cần sự chung tay nhiều hơn nữa cùng các giải pháp thiết thực đến từ các bộ ban ngành và đặc biệt là từ chính bà con các dân tộc thiểu số.

Ông TRỊNH NGỌC CHUNG, Quyền Trưởng Ban, Ban quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam: “Trong tất cả các nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của chính phủ, chính quyền các cấp, ta thấy rất rõ xác định chủ thể văn hóa chính là đồng bào các dân tộc và mục tiêu xây dựng Làng VHDL các dân tộc Việt Nam cũng hướng tới chủ thể văn hóa là các đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là những người không chỉ bảo tồn, gìn giữ mà chính bà con là những người phát huy các giá trị văn hóa của chính dân tộc mình. Không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Làng văn hóa sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ giúp đỡ để vận động bà con về đây tổ chức ,tái hiện, bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình phục vụ nhân dân và du khách”.

Nghệ nhân BÙI THỊ BÍCH THÌN, Dân tộc Mường, Huyện Thạch Thất, Hà Nội: “Là một nghệ nhân mình phải xác định làm thế nào để nói lên được tiếng nói của dân tộc mình. Sau khi nghe ý kiến các vị lãnh đạo về để ra được chủ trương còn xa lắm chi bằng hàng năm tổ chức một lần giao lưu các nét văn hóa, không những là trang phục mà còn là các di sản độc đáo của các dân tộc”.

Đứng trước những thách thức trong việc mai một dần các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi các bộ ban ngành phải có những chính sách quyết liệt hơn, giải pháp cụ thể, dài hơi để từng bước khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa di sản của dân tộc.

Thanh Huyền