Bảo đảm linh hoạt, kịp thời áp dụng biện pháp cảnh vệ

Chiều nay, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã dự và chỉ đạo Phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh mở rộng nhằm thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Đây là dự án Luật theo chương trình sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 7.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu tực tiễn, giải quyết các bất cập, vướng mắc hiện hành. Do công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, dự thảo Luật bổ sung nội dung “ Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ ”. Các đại biểu đồng tình, bởi quy định như Luật hiện hành “ Chính phủ phải trình UBTVQH bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp” , chưa bảo đảm tính kịp thời, linh hoạt.

Theo Bộ Công an, từ 1/7/2018 đến nay, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ đối với 56 đoàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng tình cần thiết có quy định trên vì không trái với Hiến pháp, lại đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các đại biểu cũng nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bởi đây là các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thu hẹp đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội khi do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự.

Cao Hoàng