3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Cơ chế phối hợp rời rạc, cơ chế giao trách nhiệm chưa rõ

Thống nhất cao với báo cáo của Đoàn Giám sát, đại biểu Hoàng Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng dự thảo Nghị quyết đã chỉ ra được những hạn chế, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành.

Tuy nhiên, ngoài chỉ cụ thể 3 ngành chủ trì 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Bộ Kế hoạch Đầu tư, dự thảo vẫn còn kèm theo cụm từ “các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp ở các địa phương”. 

Đại biểu cho biết, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đan xen với nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc. 

Về giải pháp đề ra, đại biểu đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng chỉ tiêu cần hết sức lưu ý để xác định sao cho phù hợp, việc xác định chỉ tiêu là rất quan trọng đối với việc xác định nguồn vốn, dự án và các bước thực hiện tiếp theo.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới, cần xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa, vì có thể nhiều tiêu chí không thể hiên mục tiêu cần đạt, mà lấy phương tiện, cách thức thực hiện làm tiêu chí, dẫn đến rập khuôn, cứng nhắc, kết quả còn hình thức, thiếu thực chất.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được, còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt được chỉ tiêu. Ngoài ra, cần huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia tích cực, chủ động trong xây dựng cộng đồng văn hóa ở khu dân cư mình sinh sống.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam