10% văn bản dưới luật ban hành chậm hơn thời điểm luật có hiệu lực

Chiều 22/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo tổng hợp "kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật" thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023. Đây là là năm thứ 2 các cơ quan của Quốc hội thực hiện Nghị quyết 560 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Đáng chú ý, giám sát chỉ ra khoảng 10% các văn bản dưới luật ban hành chậm hơn thời hạn có hiệu lực của luật, nhiều nội dung có dấu hiếu trái quy định pháp luật, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. 

Sau kỳ giám sát năm 2022 của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, toà án nhân dân tối cao, viện kiệm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành vẫn còn chưa ban hành 33 nội dung quy định chi tiết. Bên cạnh đó, chưa sửa đổi, bổ sung 5 văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; chưa bãi bỏ hoặc ban hành văn bản thay thế 11 văn bản đã hết hiệu lực.

Tại kỳ giám sát năm 2023, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật, 7 văn bản chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, tiếp tục có tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn khi có 32/ 325 văn bản được giám sát, tương đương với 10% bị ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Đáng chú ý, có văn bản chậm đến trên 35 tháng.

Ngoài ra, có đến 83 điều, khoản trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản như Luật Thi đua, khen thưởng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Luật Lao động; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược…

Qua thảo luận, để tăng cường hơn nữa chất lượng giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội chủ động tiếp cận sâu hơn các văn bản theo lĩnh vực giám sát của mình.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu cần coi hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động quan trọng, phải tiến hành thường xuyên, liên tục, song song với các hoạt động giám sát khác.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo tăng cường rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định để kịp thời phát hiện các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi trong tổ chức thực hiện; tránh tình trạng văn bản dưới luật có quy định khác hoặc quy định nội dung vượt thẩm quyền được giao. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam