Xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc: Đại biểu gọi tên tổ chức tín dụng, liên bộ, toà và cơ quan thi hành án

Trao đổi với phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên cần đánh giá kỹ việc xử lý nợ xấu ở nhiều lĩnh vực khi kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc.

Theo báo cáo, tính đến 31/12/2021, toàn hệ thống đã xử lý được 380.200 tỉ đồng nợ xấu, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017. Trong số này có 148.000 tỉ đồng do khách hàng tự trả nợ (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012-2017. Đồng thời kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng đạt 77.200 tỉ đồng, chiếm 20,3% . 

Đánh giá cao những kết quả trong xử lý nợ xấu với nhiều hình thức đa dạng, nợ xấu cơ bản được kiểm soát, nhưng đại biểu cho rằng kết quả xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xấu chưa thực sự vững chắc, có thể làm cho nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro.  

Bà NGUYỄN THỊ SỬU - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế:Trong nội dung (thu hồi nợ xấu chưa vững chắc -PV) có trách nhiệm của tổ chức tín dụng, có trách nhiệm của liên bộ trong việc thu hồi nợ xấu và cũng có trách nhiệm tòa trong việc xử lý vụ án chậm, kéo dài và cũng có trách nhiệm của cơ quan thi hành án trong việc thi hành án đặc biệt là tài sản do vi phạm. Và nguồn quỹ tín dụng nhân dân vẫn chưa hiệu quả do cách sử dụng nguồn vốn. Tất cả những nội dung này cần xem xét lại”

Ông MAI VĂN HẢI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Theo tôi để hạn chế vấn đề này (thu hồi nợ xấu chưa vững chắc - PV) cần phải phân loại đối với các tổ chức tín dụng cũng như là các chủ nợ xấu để làm sao xác định đúng nợ xấu. Trên cơ sở đó, chúng ta cần phải tăng cường giám sát đối với việc triển khai tổ chức thực hiện”.

Thống nhất với đề nghị kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết, tuy nhiên các đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ về sự cần thiết cũng như gắn thời hạn, trách nhiệm cụ thể trong xây dựng khuôn khổ pháp lý thay thế Nghị quyết 42, đảm bảo tính liên tục trong xử lý nợ xấu. Đáng chú ý, một số lĩnh vực có nợ xấu chiếm tỉ trọng cao như bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)...

Ông VŨ TIẾN LỘC - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Có những đầu tư của doanh nghiệp chưa hẳn là hợp lý nhưng cũng có những đầu tư của doanh nghiệp hoàn toàn hợp lý nhưng do chúng ta thay đổi về chính sách, do pháp luật chồng chéo, do khó khăn về thủ tục nên thời gian triển khai dự án bị kéo dài, không thể thực hiện được, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ xấu và các tổ chức tín dụng cũng chịu hậu quả việc này. Cho nên để khắc phục cơ bản nguyên nhân cốt lõi để tránh phát sinh nợ xấu trong tương lai thì phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính cũng như nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tin dụng, thị trường chứng khoán hay là lĩnh vực quản lý bất động sản chẳng hạn.”

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị sửa đổi một số nội dung trong nghị quyết như: mở rộng phạm vi của khoản nợ xấu; bổ sung đối tượng là công ty mua bán nợ được áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu như VAMC; bổ sung phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng hoặc hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật của vụ việc vi phạm hành chính.
 

Ninh Tùng