Xót xa những công viên bị "bỏ quên" giữa Thủ đô

Trong khi người dân Thủ đô đang thiếu không gian công cộng, nơi vui chơi thì hàng trăm hecta đất xây dựng công viên hay dự án công viên tại phường Việt Hưng, quận Long Biên lại đang có tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích nhiều năm qua.

Gạch lát nền vỡ nát, cỏ mọc hoang dại không người cắt tỉa, hàng rào bao quanh hồ nhiều đoạn sụt lún nghiêng ngả. Nếu ai mới đến, rất dễ hiểu nhầm đây là 1 dự án bỏ hoang lâu năm chứ không phải công viên giữa Thủ đô.

Công viên Việt Hưng thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội, với diện tích hơn 157.000m2. Tuy nhiên nhiều năm nay các hạng mục đã xuống cấp, hoang hóa mà không được duy tu, bảo dưỡng.

Ông NGUYỄN THANH THOÁT - Phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội:Quá lãng phí chứ không phải lãng phí nữa, rất muốn những người có trách nhiệm phản ảnh đến người có quyền quyết định, hoặc kêu gọi các nhà hảo tâm người ta đóng góp. Người ta có tên tuổi khi đóng góp là người ta phấn khởi rồi”.

Cũng bởi công viên bị bỏ quên nên người dân vô tư biến đất công thành đất tư. Hàng loạt vườn trồng rau được lập hàng rào lớn nhỏ. Nguồn lợi thủy sản trong hồ người dân cũng tranh thủ, không chỉ câu cá nhỏ lẻ,  còn có nhà ven hồ, vó và lưới bát quái. Với tâm thức nhiều người dân đang sống ở đây, các hoạt động của họ thậm chí còn làm cho công viên bớt hoang tàn hơn.

Ông TRƯƠNG BÁ DƯỢC - TP Hà Nội:Còn sạch hơn ý chứ, ở đây mà bỏ hoang thì chỉ cần 2 năm nước xanh ri ngay lập tức".

 Khu công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông được phê duyệt từ năm 2008, với kỳ vọng là “lá phổi xanh” của thành phố Hà Nội,   với diện tích quy hoạch 98,2ha, nay đã bị bỏ quên gần 20 năm, trở nên hoang hóa. Theo quyết định năm 2015 của UBND thành phố Hà Nội, công viên được khai thác tạm để tránh lãng phí đất. Sau nhiều năm khu đất này đã biến thành khu dịch vụ với nhiều quán bia, nhà hàng, sân golf, bãi tập kết phế liệu bao quanh….

Việc dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông chậm triển khai theo quy hoạch, phần thì tạm sử dụng vào mục đích khác, phần thì để bỏ hoang và không biết đến bao giờ mới triển khai đã gây ra sự lãng phí, thất thoát tài nguyên.

Hoàng Tùng