Xiết chặt quy trình đấu giá nhằm ngăn chặn thao túng bất động sản

Một trong những nội dung được nhiều ý kiến đại biểu quan tâm là vấn đề đấu giá tải sản có giá trị lớn, khó định giá như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng… Việc đấu giá tài sản này rất khác biệt, có nhiều bất cập cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn.

Lấy ví dụ về vụ việc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, đại biểu Lê Tất Hiếu cho rằng có nhiều trường hợp khi đấu giá thì người đấu giá bỏ giá rất cao, vượt xa nhiều lần giá khởi điểm. Sau đó đơn phương không thực hiện mua tài sản đấu giá và sẵn sàng bỏ tiền cọc, dẫn đến gây xáo trộn tình trạng kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động đấu giá của nhà nước.

Đại biểu Trần Văn Khải cho biết trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Làm sao kiểm soát nguồn tài chính, “nguồn vốn” công khai, minh bạch và người tham gia đấu giá có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá là vấn đề được đặt ra.

Trong đấu giá loại tài sản này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng cần thiết quy định rõ điều kiện của người tham gia đấu giá.

Một số ý kiến khác cho rằng nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá. Do đó, đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt có thể bằng 30% đến 50% giá tại hợp đồng.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam