“Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường” khắc phục tình trạng “hai giá”

Tiếp tục Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 13, sáng 22/7, Hội nghị nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trình bày Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng ta coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tuy nhiên, chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.   

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, một trong những nguyên nhân của hạn chế thời gian qua là một số tổ chức cơ sở đảng buông lỏng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chưa thường xuyên rà soát, kiên quyết sàng lọc đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng; chất lượng một số đảng viên mới còn hạn chế. 

Thời gian tới cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Trong đó tập trung kiện toàn tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ; nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức cơ sở đảng đặc thù; triển  khai thực hiện hiệu quả mô hình "chi bộ bốn tốt", "đảng bộ cơ sở bốn tốt".

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, "tự soi", "tự sửa", đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên. Cấp uỷ, chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên, tạo điều kiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đảng viên. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: 4 Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 là những nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. Liên quan đến Nghị quyết 18 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, Nghị quyết được xây dựng nhiều điểm mới và tin tưởng rằng, nếu thực hiện tốt sẽ tạo chuyển biến tích cực liên quan việc “bãi bỏ quy định về khung giá đất”, “xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường” khắc phục tình trạng “hai giá” như thời gian vừa qua.

Ông VÕ VĂN THƯỞNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư: “Khi làm nghĩa vụ với Nhà nước, người dân muốn giá đất rẻ để nộp tiền ít, khi thu hồi đất lại muốn có giá trị cao. Cho nên, đấu giá thì giá khác, giao đất thì giá đất khác. Đó là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, cũng như cán bộ bị kỷ luật liên quan đến đất đai. Hay là xác định đối với dự án phải thực hiện tái định cư thì thực hiện tái định cư xong mới thu hồi đất, nhưng trong thực tế, có dự án 20 năm thực hiện rồi nhưng không tái định cư cho dân. Bây giờ, phải thực hiện coi trọng cuộc sống người dân bằng việc thực hiện tái định cư trước”.

Để các nghị quyết đi vào cuộc sống, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh yếu tố quan trọng hàng đầu, có tính chất quyết định là khâu tổ chức thực hiện:

Ông VÕ VĂN THƯỞNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư: “Vì sao trong nghị quyết nhiều nhiệm kỳ liền vẫn nói rằng tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu. Nghị quyết thì rất hay rồi, nhưng như đồng chí Tổng Bí thư có lần ví von "Rằng hay thì thật là hay, xem ra thực hiện thì trăm bề khó khăn”. Khi làm nghị quyết bàn rất kỹ, nhưng trong quá trình thực hiện thì đôi khi thấy khó lại hay “chùng chân”, thấy khó hay để lại. Vì vậy, quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi có sự quyết tâm năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức địa phương, đơn vị”.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị sau Hội nghị cần khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa nội dung 4 Nghị quyết của Trung ương thành kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn khả thi hiệu quả. Tránh tình trạng cho ra đời ra một phiên bản nghị quyết mới giống nghị quyết của Trung ương, đọc thì rất hay nhưng bao giờ xong, ai làm, thước đo như thế nào thì lại ít thể hiện.  

Bích Liên