Vướng mắc trong xét xử trực tuyến

Nghị quyết 33 năm 2021 Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đến nay, các tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến lên đến hơn 10.000 vụ án các loại. Cả nước có gần 700 tòa án đã tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến. Tại phiên họp thẩm tra Báo cáo công tác của ngành tòa án năm 2023, đại biểu đánh giá, trong việc xét xử trực tuyến vẫn còn những vướng mắc nhất định.

Toà án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đánh giá, xét xử trực tuyến đem lại nhiều lợi ích giảm thiểu chi phí, thời gian tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng; giúp tòa án giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa do vắng mặt bị cáo và những người tham gia tố tụng vì nhiều lý do khách quan.

Tuy nhiên, xét xử trực tuyến vẫn còn những hạn chế, vướng mắc. Đó là nền tảng công nghệ còn thiếu, trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến chưa đồng bộ. Vấn đề này cũng được đại biểu đề cập đến trong phiên họp thẩm tra báo cáo công tác ngành toà án năm 2023 của Ủy ban Tư pháp vừa qua.

Toà án nhân dân tối cao cũng cho biết, một số quy định pháp lý cho việc xét xử trực tuyến cũng không còn phù hợp với thực tiễn. Như quy định số lượng điểm cầu thành phần không quá 3 điểm, không phù hợp với thực tiễn có nhiều vụ việc có số lượng người tham gia tố tụng đông, cần có nhiều hơn 3 điểm cầu thành phần, hoặc như Nghị quyết 33 của Quốc hội mới chỉ cho phép tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến các vụ án mà chưa được áp dụng cho các phiên họp để giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Quang Anh -

Sỹ Cường