Việt Nam điểm báo: Bánh cuốn Việt Nam lọt top những món ăn hấp dẫn nhất thế giới

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ thăm Việt Nam từ ngày 21 -24/6; Việt Nam công bố quy hoạch sân bay toàn quốc; Trung Quốc cân nhắc đầu tư hàng trăm triệu đô la sản xuất pin ở Việt Nam; Việt Nam dự kiến xuất khẩu cà phê năm 2023 đạt mức cao kỷ lục; Bánh cuốn Việt Nam lọt top những món ăn hấp dẫn nhất thế giới... là những thông tin có trong Việt Nam điểm báo số này.

TỔNG THỐNG HÀN QUỐC SẼ THĂM CHÍNH THỨC VIỆT NAM

Trang KBS world của Hàn Quốc đưa tin, Tổng thống nước này Yoon Suk-yeol sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 21 đến ngày 24/6 nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Theo kế hoạch, Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng và thảo luận các biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập giữa hai nước vào năm ngoái. Ông Yoon Suk-yeol cũng sẽ có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Theo KBS world, đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk-yeol tới một quốc gia trong khu vực ASEAN. Đáng chú ý, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ có sự tháp tùng của phái đoàn kinh tế Hàn Quốc quy mô 205 người, bao gồm lãnh đạo của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin.

VIỆT NAM MỞ RỘNG CƠ SỞ HẠ TẦNG SÂN BAY

Tờ The Star của Malaysia đăng thải thông tin cho biết, Chính phủ Việt Nam đã công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc. Quy hoạch này nhằm tăng cường đáng kể cơ sở hạ tầng sân bay Việt Nam vào năm 2030. 

Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ hình thành 30 sân bay, trong số này, 14 sân bay sẽ phục vụ các chuyến bay quốc tế, 16 sân bay còn lại sẽ phục vụ các chuyến bay nội địa. Chính phủ Việt Nam ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống sân bay đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn huy động khác. Bài báo đưa ra nhận định, quy hoạch này nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải và tạo điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.

CÁC CÔNG TY SẢN XUẤT PIN VÀ LƯU TRỮ NĂNG LƯỢNG TRUNG QUỐC CÂN NHẮC ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, hai nhà sản xuất pin và hệ thống lưu trữ năng lượng lớn của Trung Quốc đang cân nhắc đầu tư hàng trăm triệu đô la ở Việt Nam, khiến Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí là một trung tâm xuất khẩu toàn cầu nhờ vào hàng loạt các thỏa thuận thương mại tự do và lao động giá rẻ.

Theo Reuters, Xiamen Hithium Energy Storage Technology - công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố cảng Hạ Môn (Trung Quốc) chuyên sản xuất các sản phẩm lưu trữ năng lượng cố định, đã đề xuất với các nhà quản lý công nghiệp của Việt Nam về việc xây dựng một nhà máy sản xuất các sản phẩm trữ năng lượng với vốn đầu tư có thể lên đến 900 triệu đô la Mỹ trên một khu đất công nghiệp có diện tích hơn 30 hecta. Nếu chốt mức đầu tư ở con số đó, Hithium sẽ trở thành một trong nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam.

Các nguồn tin của Reuters cũng cho biết, không chỉ có Hithium, mà Growatt New Energy - công ty chuyên sản xuất hệ thống pin và bộ biến tần lưu trữ năng lượng cho mục đích thương mại và dân dụng, có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) cũng đang có kế hoạch chi khoảng 300 triệu đô la Mỹ để mua khoảng 15 hecta đất công nghiệp nhằm xây dựng một nhà máy mới ở Việt Nam. Hiện cả hai công ty này đang tìm kiếm các địa điểm tiềm năng cho nhà máy của họ.

XUẤT KHẨU CÀ PHÊ VIỆT NAM DỰ KIẾN ĐẠT KỶ LỤC MỚI

Việt Nam dự kiến xuất khẩu cà phê năm 2023 đạt mức cao kỷ lục mới do sản lượng toàn cầu giảm so với nhu cầu. Đây là thông tin được đăng tải trên tờ China.org.cn. Bài viết dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5 đã tăng 28,5% lên 418 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, cà phê robusta Việt Nam tiếp tục đà tăng trong tuần trước và đạt mức cao mới trong ba tháng qua lên 61.800 đồng Việt Nam (2,6 USD)/kg, sau khi tăng 25% trong ba tháng đầu năm kể từ cuối năm ngoái.

Bài viết trích nhận định của ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam cho biết, cà phê Robusta dự kiến sẽ kéo dài chuỗi tăng trưởng trong nửa cuối năm do nguồn cung thắt chặt hơn vì sản lượng năm nay có thể giảm 10-15% so với dự báo trước đó do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê, thu về mức cao kỷ lục 3,9 tỷ USD. Việt Nam hiện là nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất thế giới với sản lượng tăng đều từ khoảng 78.000 tấn năm 1990 lên khoảng 1,84 triệu tấn niên vụ 2021-2022.

VIỆT NAM TUYÊN CHIẾN VỚI RÁC THẢI NHỰA TRÊN VỊNH HẠ LONG

Trang tin Aljazeera đăng bài viết với tựa đề “Việt Nam tuyên chiến với rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long”. Trong bài viết, tác giả đã đề cập đến tình trạng rác thải nhựa trên vịnh Hạ Long của Việt Nam và những nỗ lực của địa phương để giải quyết vấn đề này.

Bài viết trích lời chị Thịnh, 50 tuổi, người đã làm công việc nhặt rác gần chục năm ở Vịnh Hạ Long cho rằng chị cảm thấy rất mệt mỏi vì phải vớt rất nhiều rác thải nhựa trên vịnh. Mỗi ngày, chị Thịnh phải chèo từ 5 đến 7 chuyến thuyền trên Vịnh Hạ Long để vớt rác. Bài viết đưa ra nhận định, đó là dấu hiệu rõ ràng nhất về hành vi của con người đã làm xuống cấp Vịnh Hạ Long - một di sản thiên nhiên thế giới nổi tiếng với làn nước màu ngọc lam rực rỡ và những hòn núi đá vôi.Theo tác giả bài viết, trong nỗ lực hạn chế rác thải nhựa,

Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết nhựa sử dụng một lần hiện đã bị cấm trên các tàu du lịch, từ đó việc sử dụng nhựa nói chung trên tàu đã giảm khoảng 90%. Về tình trạng rác thải trên bờ thì những người thu gom rác như chị Thịnh đang chăm chỉ từng ngày để Vịnh Hạ Long trở nên đẹp và sạch hơn trong mắt các du khách.

VIỆT NAM CHÚ TRỌNG CÁC GIẢI PHÁP CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Tuần qua, trang tin Blogs.worldbank.org đã đăng tải bài phân tích với nhan đề “Để thực hiện mục tiêu kinh tế, Việt Nam cần các giải pháp chống biến đối khí hậu”. Trong bài viết của mình, hai tác giả Muthukumara Mani và Vinod Thomas khẳng định ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu cần trở thành một phần không thể thiếu trong các kế hoạch đầu tư của Việt Nam.

Mở đầu bài viết, tác giả đưa ra nhận định: Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, nhưng thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra là một rào cản lớn đối với mục tiêu này. Các lĩnh vực quan trọng trong hoạt động kinh tế của Việt Nam đã và đang gặp rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, các giải pháp chống biến đổi khí hậu cần được đặt lên hàng đầu và là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Giống như các quốc gia khác, Việt Nam nên coi tăng trưởng kinh tế và quản lý môi trường là hai mặt của cùng một vấn đề.

Kiểm soát phát thải là việc rất quan trọng dù Việt Nam hiện không phải là nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới. Việt Nam hiện chỉ đóng góp 0,8% tổng lượng phát thải của thế giới, nhưng lại là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính tính theo đầu người tăng nhanh nhất toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, việc này có thể hạn chế khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam. Tác giả lấy dẫn chứng, với 1,6 kg CO2/USD, cường độ phát thải carbon trong hàng xuất khẩu của Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong khu vực.

Tác giả khẳng định: để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững thì việc xây dựng khả năng chống chịu trước các tác động manh mẽ của biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính phải là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã đề các mục tiêu và giải pháp như cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hay Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững...song vấn đề quan trọng là phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu cần trở thành một phần không thể thiếu trong các kế hoạch đầu tư.

ƯU TIÊN GIẢI PHÁP PPP TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Cũng đề cập đến phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, trên trang tin của mình, Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) công bố báo cáo phân tích những tác động cụ thể của biến đổi khí hậu đến kinh tế từng vùng miền của Việt Nam. Từ đó, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được cho là một trong những giải pháp quan trọng.

Trong báo cáo mang tên “Phát triển kinh tế có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”, báo cáo của GIZ đã đưa ra những dự báo cụ thể đến năm 2100 cho thấy cứ theo đà hiện nay, biến đổi khí hậu sẽ tác động không nhỏ đến các lĩnh vực kinh tế của từng khu vực tại Việt Nam. Những ảnh hưởng này rõ ràng nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm GDP vùng giảm 8-8.76% trong giai đoạn 2055-2079. Tùy theo các kịch bản khác nhau, vùng này có thể đóng góp 1,2 và 1,5-2,5 điểm % vào mức giảm GDP quốc gia vào năm 2050 và vào năm 2100. Tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Vùng ít bị thiệt hại nhất là Tây Nguyên.

Đối với từng ngành nghề, báo cáo chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu có tác động lớn nhất đến nông nghiệp và các dịch vụ. Các ngành này đóng góp tương ứng 1.0-1.7 điểm % vào mức giảm GDP quốc gia vào năm 2050 và 1.0-6.0 điểm % vào năm 2100 theo các kịch bản khác nhau. Các ngành ít bị tác động hơn là sản xuất công nghiệp và giao thông. Ngành xây dựng ít bị ảnh hưởng nhất.

Từ đó, báo cáo đưa ra nhận định kết quả này có nguy cơ làm gia tăng chênh lệch kinh tế - xã hội giữa các vùng nếu Việt Nam không thực hiện đầy đủ các biện pháp thích ứng và chống biến đổi khí hậu.

Báo cáo khuyến nghị một số giáp pháp giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu: Thứ nhất là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo để thích ứng tốt hơn với tình trạng giảm năng suất lao động do BĐKH gây ra.

Thứ hai là tạo thuận lợi cho các chủ thể (nông dân, doanh nghiệp) triển khai các biện pháp thích ứng chủ động để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành nông lâm nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi của Chính phủ như tập huấn, phổ biến kỹ thuật; tăng khả năng tiếp cận tín dụng; và thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp nhằm thu hút đầu tư tư nhân và khuyến khích thay đổi nhận thức, hành vi và hành động.
Thứ ba là ưu tiên đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH bao gồm hệ thống đê điều, nhà ở, cấp thoát nước và giao thông dựa trên cách tiếp cận thuận theo tự nhiên.

Và thứ tư là tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo về đánh giá tác động kinh tế-xã hội của BĐKH để có cơ sở khoa học xây dựng các chính sách thích ứng phù hợp, đảm bảo tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng.

Tuy nhiên, báo cáo khẳng định các biện pháp thích ứng riêng lẻ chưa đủ để bảo vệ nền kinh tế khỏi các rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng. Chính phủ Việt Nam cần phải thúc đẩy các biện pháp chuyển đổi tổng thể, đó là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo để thích ứng tốt hơn với tình trạng giảm năng suất lao động do BĐKH gây ra. Lộ trình thích ứng tổng thể đòi hỏi những thay đổi căn bản ở quy mô liên ngành, liên vùng với quyết tâm cao và nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân.

BÁNH CUỐN VIỆT NAM LỌT TOP NHỮNG MÓN ĂN HẤP DẪN NHẤT THẾ GIỚI

Món bánh cuốn của Việt Nam là món ăn giản dị nhưng được rất nhiều du khách nước ngoài ưu tiên nếm thử khi lần đầu đặt chân tới Việt Nam. Mới đây, Tạp chí du lịch hàng đầu của Australia Traveller đã bình chọn bánh cuốn Việt Nam lọt top những món ăn hấp dẫn nhất thế giới.

Bài báo dẫn lời Traveller cho biết, bánh cuốn là món ăn giản dị và ít được ưa chuộng hơn so với phở và bún chả. Tuy nhiên, tác giả bài viết nhận định “Có một sự kỳ diệu đối với cách làm ra phần vỏ bánh này trước khi chúng cuốn quanh các loại nhân mặn và ăn kèm với các loại rau thơm và nước chấm”.

Không chỉ Traveller của Australia, chuyên trang du lịch nổi tiếng tại Mỹ là Travel and Leisure cũng liệt kê bánh cuốn cùng phở và bánh mì là 3 món ăn mà du khách nên nếm thử khi đến Việt Nam.

Theo tác giả bài viết, món ăn này có thể được tìm thấy trên khắp Việt Nam, nhưng mỗi vùng lại có sự khác biệt về nguyên liệu, cách chế biến và khẩu vị.

Loại bánh cuốn nổi tiếng nhất và địa danh được cho là ở cái nôi của bánh cuốn, đó là Thanh Trì, một vùng ngoại ô cổ kính của Hà Nội. Bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy, nhìn gần như trong suốt. Thịt lợn băm và mộc nhĩ được cuộn trong vỏ bánh, ăn kèm với nước chấm. Chúng cũng có thể được ăn kèm với chả quế hoặc chả lụa để tăng hương vị.

Khác với bánh cuốn Hà Nội, bánh cuốn Phủ Lý, Hà Nam không có nhân. Loại bánh cuốn này được ăn nguội với thịt nướng thay vì chả quế. Ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, bánh cuốn được ăn với nước hầm xương thay vì nước mắm như ở Hà Nội. Ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh của Việt Nam, bánh cuốn còn được gọi là bánh mướt.

Kết bài, tác giả nhấn mạnh, bánh cuốn Việt Nam gây ấn tượng với thực khách bởi cách chế biến đặc biệt và sự hài hòa hương vị từ các nguyên liệu.

Hà Thu