Vì sao chiêu thức gọi vốn không mới nhưng “Shark Thủy" vẫn thu hút hàng nghìn tỷ đồng?

Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Công ty Giáo dục EGroup, người được biết đến với danh xưng "Shark Thủy" về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Điều đáng chú ý là dù kịch bản, chiêu thức huy động vốn tuy không mới nhưng vẫn huy động được hàng nghìn tỷ đồng. Các chiêu thức gọi vốn đó như thế nào, mời quý vị cùng theo dõi ghi nhận của phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Hàng chục giáo viên đang đi dạy hoặc đã về hưu, sau khi dồn hết tiền tiết kiệm đưa cho ông Nguyễn Ngọc Thủy nhưng không đòi được, đã làm đơn tập thể để tố cáo.

Ngoài trả lãi cao gấp 2, gấp 3 ngân hàng, ông Thủy còn dùng nhiều cách để người ta tin và đưa tiền cho mình.

Chuyên gia kinh tế nhận định, việc trả lãi đều đặn thời gian đầu làm mồi nhử là một kịch bản không mới trong nhiều chiêu trò lừa đảo đã được phanh phui.

Thống kê sơ bộ của nhóm người tố cáo, hiện có khoảng hơn 1.000 người đã đầu tư vào công ty của ông Thủy với hơn 1.400 hợp đồng các loại như hợp đồng trái phiếu, hợp đồng icapition, hợp đồng igame với tổng số tiền trên 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số chính xác sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. 

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị những người mua cổ phần hoặc cho vay tiền bằng hình thức thế chấp cổ phần đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục EGroup của Nguyễn Ngọc Thủy đang còn dư nợ, chưa đến trình báo thì khẩn trương liên hệ, cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm và đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật.

Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích các bản hợp đồng với rất nhiều điều khoản rủi ro mà các nhà đầu tư đã ký với ông Thủy trong bản tin tiếp theo. Mời quý vị quan tâm theo dõi! 

Cát Sinh -

Hoàng Minh