Vì sao cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023. Tại phiên thảo luận nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức nghỉ việc, còn một bộ phận khác trong đó có lãnh đạo quản lý đang có tâm lý bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Đây là vấn đề cần được nhìn nhận, đánh gía nguyên nhân để có giải pháp đổi mới môi trường làm việc trong khu vực công.

Đến nay có khoảng hơn 40 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bên cạnh đó có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có lãnh đạo quản lý đang có tâm lý bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm, làm cầm chừng. Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, nhiều đại biểu cho rằng một phần nguyên nhân là do chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Cùng một vấn đề, khi áp dụng luật này để thực hiện thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì lại thành sai. Tại thời điểm này thì có thể đúng, nhưng đến khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai.

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: “Có cán bộ từng tâm sự với tôi là "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Vấn đề dễ sai nhất là xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, việc xác định giá đất hầu như bằng yếu tố giả định nên khó đảm bảo chính xác. Trong khi đó, nhiều địa phương có dự án lớn mà chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư. Nếu Chính phủ không tháo gỡ được vấn đề này thì khó đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023."

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, có tình trạng trên, một phần xuất phát từ công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Theo ông Hạ, có ba trường hợp cán bộ không dám làm. Thứ nhất là cán bộ năng lực hạn chế nên sợ làm sẽ sai. Thứ hai là cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần hạn chế, nên họ chỉ nghe ngóng, né tránh. Thứ ba là nhóm cán bộ sợ làm sẽ phát sinh vấn đề do không khớp với chỉ đạo của những người tiền nhiệm.

Ông TẠ VĂN HẠ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: "Tôi đặt câu hỏi vì sao Luật Đất đai và Luật Đấu thầu đều được ban hành năm 2013 nhưng trước đây không thấy nêu nhiều vướng mắc như hiện nay? Một số người thẳng thắn nói rằng, trước đây làm ẩu, làm không đúng, thiếu trách nhiệm, nên nếu bây giờ làm đúng thì sẽ phát sinh các vấn đề, do đó họ chỉ làm cầm chừng, né tránh."

Ông TÔ VĂN TÁM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon tum: “Nhiều người cũng rời khu vực công vì áp lực công việc quá lớn, hoặc ưu tiên phát triển bản thân hơn là ngồi ổn định một chỗ. Khu vực công và tư đều yêu cầu tri thức, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hiệu quả. Nhưng khu vực công còn yêu cầu trách nhiệm trước nhân dân, nên cần hài hòa về thu nhập để cán bộ làm công bộc của dân, đề nghị Chính phủ thực hiện lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc theo thứ bậc hành chính.”

Ông TRẦN VĂN KHẢI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: “Về tình trạng một bộ phận công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, thực tế hiện nay có một bộ phận không nhỏ công chức của chúng ta rất có năng lực nhưng lại thiếu về động lực, hoặc họ giống như một số cầu thủ bóng đá còn cá độ hoặc đi lững thững trong những trận đấu quyết liệt, có tính sống còn hay chủ động bỏ ra ngoài sân khi trận đấu còn cần họ. việc cấp bách hiện nay là chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ tối ưu để tuyển chọn và xây dựng cho được một đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì tổ quốc mình.”

Các đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới cần quyết liệt hơn giải quyết các bài toán lớn về năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt là cải cách thể chế để bộ máy công quyền có thể phát huy tối đa tiềm năng, vị thế và trách nhiệm trước đất nước.