Vẫn "tắc" giải ngân vốn đầu tư công

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, thảo luận tại hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trung hạn của 3 năm đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế khi nhiều thủ tục làm chậm tiến độ giải ngân vốn, giảm hiệu quả của nguồn vốn quan trọng dành cho tăng trưởng kinh tế này.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid 19, khan hiếm, tăng giá nguyên vật liệu xây dựng… thì việc thủ tục hành chính rườm rà trong đầu tư công đã khiến các bộ ngành, địa phương mất nhiều thời gian để có thể triển khai dự án.

Các đại biểu chỉ ra thực tế: dù đã phản ánh rất nhiều nhưng công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch hàng năm vẫn là khâu rất yếu do chậm và thiếu chủ động. Do đó, vẫn còn tình trạng "vốn chờ dự án".

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc thừa nhận: kết quả giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm nay vẫn thấp khi mới đạt 52% kế hoạch Thủ tướng giao.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra thực tế: có nhiều quy trình, thủ tục mất thời gian: như điều chỉnh danh mục công trình hay điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác đều phải chờ Quốc hội phê duyệt. Một loạt dự án quan trọng như gói phục hồi sau dịch COVID-19, gói 14.000 tỷ đồng xây mới, cải tạo trạm y tế phường xã hay như sân bay Long Thành... đều chưa được giao vốn vì vướng quy định.

Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính dự kiến năm nay sẽ giảm các loại thuế khoảng 200.000 tỷ đồng.

Sau khi giảm thuế, để tiếp tục giữ cán cân tài khóa, Bộ trưởng cho biết phải đưa vào nền kinh tế 347 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam