Văn hóa và sức mạnh soi đường cho quốc dân

Đề cương về Văn hoá Việt Nam của Đảng ra đời năm 1943 được xem như là một bộ phận bổ sung cho Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, những cương lĩnh quan trọng đầu tiên của Đảng thời kỳ kháng chiến, kiến quốc. Trong bản “cương lĩnh về văn hóa” ấy, Đảng ta khẳng định rõ thái độ của mình đối với vấn đề văn hóa, thể hiện ở 3 nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Trải qua 80 năm với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, những đường hướng trong Đề cương về Văn hoá Việt Nam dù được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với từng tình hình và giai đoạn cụ thể nhưng vẫn giữ được tính nhất quán về định hướng phát triển cũng như nguyên tắc chỉ đạo. Tính dân tộc, khoa học và đại chúng ngày càng thấm sâu và lan toả trong các Văn kiện, chính sách của Đảng về văn hoá. 

Sự ra đời của Đề cương văn hoá được xem là một hiện tượng đặc biệt, hiếm có đối với một Đảng chưa cầm quyền, bởi giữa lúc đất nước bị kìm kẹp “một cổ ba tròng” của bọn phong kiến, thực dân và phát xít, Đảng đã có tầm nhìn chiến lược về vấn đề văn hoá, coi văn hoá là một vũ khí sắc bén, cùng với chính trị và kinh tế, để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc.

Sau hơn 10 năm đất nước đổi mới, bước vào hội nhập, tính dân tộc được bổ sung bởi khái niệm "tiên tiến". Năm 1998, Nghị quyết Trung ương về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đã định hướng, chú trọng xây dựng văn hoá và con người trong thời kỳ mở cửa và hội nhập. Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Có thể thấy Đảng ta đã có sự đổi mới trong tư duy về phát triển văn hoá, con người, phù hợp với yêu cầu triển đất nước trong bối cảnh mới.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định 1 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khơi dậy truyền thống yêu nước , niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...Xây dựng hệ giá trị quốc gia, chuẩn mực của con người gắn với giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đặt ra nhiều vấn đề đối với sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Những điều tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với văn hóa dân tộc: “Văn hóa còn thì dân tộc còn…” luôn hàm chứa những ước ao, kỳ vọng về một lộ trình đổi mới của nền văn hóa Việt Nam.

Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện một dòng chảy xuyên suốt của sự phát triển văn hóa, quan điểm và tư tưởng định hướng của Đảng về văn hóa, để cuối cùng khẳng định sức mạnh của văn hóa chính là “soi đường cho quốc dân đi”.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

Anh Khoa