Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 12 nhóm nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15

Phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ thứ 27, tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 11/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những nội dung cần xem xét tại phiên họp này là rất nhiều, với 16 nhóm nội dung, trong đó có 12 nhóm nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 với tính chất phức tạp, độ khó cao, trong khi thời gian chuẩn bị gấp rút.

Trong 5 ngày làm việc, một trong những nhóm nội dung rất lớn, rất quan trọng mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét là các Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính, ngân sách; trong đó, sẽ cho ý kiến  về chính sách tiền lương mới, dự kiến thực hiện từ 1/7/2024. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, phải đánh giá không chỉ cho trong năm hiện hành 2023, kế hoạch dự kiến cho năm 2024 mà còn là dịp để đánh giá giữa nhiệm kỳ về các kế hoạch 5 năm trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Một nội dung quan trọng khác sẽ được xem xét là Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại hai phiên họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát đối với việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng đến nay Chính phủ mới trình báo cáo này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thời gian để cho ý kiến về những kiến nghị, đề xuất, xem xét đưa vào nội dung của Nghị quyết giám sát chuyên đề.

Đáng chú ý tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần 2 đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Các chính sách trong nội dung này trước đó chưa được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhất trí, và đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại. Chủ tịch Quốc hội lưu ý đây là nội dung hết sức quan trọng, yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng điều kiện có đủ hay không để đưa vào chương trình kỳ họp và trình Quốc hội ban hành nghị quyết ngay tại kỳ họp này hay không. 

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết! 

Dương Dung -

Quang Sỹ -

Anh Đức