Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 3 Dự án luật quan trọng

Phiên họp thứ 20 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý việc tiếp thu chỉnh lý 03 dự án luật quan trọng, đó là: Dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đây là những dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Dự án Luật Phòng thủ dân sự là dự án luật khó, đã nhận được 127 lượt ý kiến của đại biểu và 05 văn bản tham gia ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị đánh giá mức độ rủi ro thảm họa, sự cố để thống nhất với các luật chuyên ngành. Nhiều ý kiến đề nghị xác định cấp độ PTDS cần căn cứ vào tính chất, quy mô, mức độ nghiêm trọng xảy ra để có các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng.

Một số ý kiến băn khoăn về việc hợp nhất cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự như dự thảo Luật, trong đó Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; đề nghị đánh giá rõ về việc tổ chức, hoạt động của các cơ quan này cho phù hợp.

Về Quỹ phòng thủ dân sự, một số ý kiến tán thành với việc thành lập Quỹ PTDS để chủ động trong nguồn lực ứng phó; một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định Quỹ hay hợp nhất các quỹ, vì dễ trùng lắp nguồn thu, khó vận động đóng góp, chồng chéo với các quỹ đã có trong luật chuyên ngành. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định việc thành lập quỹ, còn các nội dung khác giao cấp có thẩm quyền quy định chi tiết.

Đối với dự án Luật Giao dịch điện tử, sau khi thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau đối với 2 vấn đề lớn. Đó là về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1. Một số ý kiến tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhưng đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi. Có ý kiến đề nghị nên hạn chế phạm vi điều chỉnh mở rộng đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh… Vấn đề thứ 2 là về dịch vụ tin cậy quy định tại Điều 29. Hiện có ý kiến đề nghị quy định theo hướng chỉ giao cho một cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cấp phép cho các tổ chức cung cấp dịch vụ; đề nghị làm rõ hơn đối với loại hình dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử.

Đối với dự án luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến ngay khái niệm người tiêu dùng. Do đó, trong phiên họp lần này của UBTVQH, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường-cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật sẽ đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”.

Phương án này giữ như Luật hiện hành, chỉ bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”

Phương án 2: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”.

Xuân Tiến