Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật thanh tra (sửa đổi)

Sáng 29/10 , Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án luật thanh tra sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Tham dự phiên họp, về phía Chính phủ có: Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thấy rằng việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị và đội ngũ công chức hiện đang làm nhiệm vụ thanh tra nên không làm tăng tổng số đơn vị trực thuộc và biên chế của các Tổng cục, Cục có liên quan, do đó cơ bản bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18. Hiện nay, Chính phủ cũng đang triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, theo đó sẽ giảm mạnh số lượng Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung quy định về các tiêu chí, điều kiện đối với Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành làm cơ sở để Chính phủ thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra tại các Tổng cục, Cục. Như vậy, các cơ quan thanh tra chuyên ngành nếu được thành lập tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ sẽ giảm hơn nhiều so với số lượng các đơn vị làm công tác thanh tra tại các Tổng cục, Cục hiện nay. Đối với những Tổng cục, Cục thuộc Bộ không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra thì tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành như hiện hành.

Tiếp thu ý kiện đại biểu Quốc hội và trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không quy định thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị thuộc Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc ở địa phương để hạn chế phát sinh đầu mối tổ chức mới. Trường hợp cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý, Chính phủ xem xét, giao các cơ quan này thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 9, Điều 36a, Điều 36b của dự thảo Luật.

Về Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, đề nghị không quy định cụ thể trong dự thảo Luật về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra: Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đề nghị chỉnh lý khoản 3 Điều 111 của dự thảo Luật theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về tỷ lệ trích và nguyên tắc quản lý, sử dụng khoản kinh phí này.

Để khắc phục việc chậm trễ trong xây dựng, ban hành kết luận thanh tra, dự thảo Luật đã quy định cụ thể quy trình các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra trong việc xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; xác định rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra.

Kết luận phiên họp về dự án Luật thanh tra sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Uỷ ban Pháp luật phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan có liên quan, tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua.

Dương Dung