Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Chủ động chuyển tải “hơi thở” cuộc sống vào pháp luật

Cùng với sự đổi mới của Quốc hội, năm 2022, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tích cực, chủ động từ sớm, từ xa thực hiện các nhiệm vụ của mình. Chính vì vậy, đây là năm ghi nhận nhiều dấu ấn nổi bật của Ủy ban trong cả công tác khảo sát, thẩm tra giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có nhiều quyết sách quan trọng.

Sự chủ động trong tham mưu, linh hoạt trong triển khai tổ chức thực hiện đã giúp cho việc thẩm tra các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết mà Ủy ban thẩm tra, trình Quốc hội trong năm 2022 đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao. Phương châm đổi mới, chủ động “từ sớm, từ xa” là “mệnh lệnh” công tác. Cùng với đó là bám sát thực tiễn, chuyển tải thực tế cuộc sống vào xây dựng pháp luật. Phóng sự sau phần nào là minh chứng cho điều đó. 

Vụ cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông tại Hà Nội năm 2019. Đây là sự cố có tính chất vô cùng phức tạp. Nếu không kịp thời huy động lực lượng phòng hóa của Bộ Quốc phòng đến xử lý, lượng thủy ngân phát tán có thể gây ra hậu quả khôn lường. Những trường hợp sự cố có mức độ rủi ro lớn như vậy, vượt quá khả năng của lực lượng cơ sở hay lực lượng chuyên trách thông thường cần có hành lang pháp lý quy định.

Không chờ cơ quan soạn thảo trình hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động lên kế hoạch, tổ chức 4 đoàn khảo sát tại nhiều địa phương ở 3 miền để phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự, sau khi dự án Luật này được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Đây là cách làm mới để công tác thẩm tra sát với thực tiễn.

Bảo vệ người dân trước những nguy cơ, rủi ro; chuẩn bị các biện pháp ứng phó để giảm thiệt hại; khắc phục hậu quả khi các thảm họa, sự cố nghiêm trọng xảy ra. Đó chính là Phòng thủ dân sự- một bộ phận của phòng thủ đất nước từ sớm, từ xa. Và trong công tác xây dựng pháp luật, có sự chủ động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

GIẢI TRÌNH THẤU ĐÁO ĐỂ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ ĐẠT ĐỒNG THUẬN CAO 

Không “chờ” hồ sơ để tiến hành thẩm tra mà chủ động khảo sát nắm bắt thực tế, ghi nhận kiến nghị từ bộ ngành, địa phương và góp ý của các chuyên gia. Đây là cách làm mới khiến quá trình thẩm tra được tiến hành kỹ lưỡng, qua nhiều bước, nhiều vòng. Vì vậy, các dự án Luật về Quốc phòng-An ninh với nhiều nội dung đặc thù, có độ khó cao vẫn nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội.

Trong năm 2022, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý 2 dự án Luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội và 1 Tờ trình của Chính phủ. Tiếp tục tinh thần “đổi mới, chủ động, hiệu quả” của Quốc hội khóa XV, năm 2023, Ủy ban sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới hơn nữa để góp phần hoàn thành nhiệm vụ lập pháp về quốc phòng-an ninh trong nhiệm kỳ theo đúng định hướng Nghị quyết đại hội 13 của Đảng.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Khắc Phục