Ưu tiên bảo vệ quyền lợi người chưa thành niên tại toà án

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, sáng 13/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Toà án nhân dân tối cao, Pháp lệnh số 09 năm 2014 về về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, sau 8 năm thi hành, đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập như: chưa quy định việc tổ chức phiên họp trực tuyến; cung cấp tài liệu bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án để phù hợp với thực tiễn; thiếu các quy định đặc thù đối với người chưa thành niên; không cho đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với trường hợp người bị đề nghị đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc tạm đình chỉ đối với trường hợp người bị đề nghị ốm nặng;… Bên cạnh đó, Pháp lệnh 09 chưa đáp ứng được yêu cầu của của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thiếu đồng bộ với Pháp lệnh số 01 năm 2022 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Dự thảo Pháp lệnh gồm 05 Chương, 44 điều, trong đó bổ sung mới 2 điều và sửa đổi, bổ sung 42/42 điều so với Pháp lệnh 09. Tại Tờ trình, Toà án nhân dân tối cao cũng xin ý kiến về quy định chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên.

Thẩm tra dự án, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Pháp lệnh số 09. Về chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với Toà án nhân dân tối cao và cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án. Nếu không quy định việc chỉ định luật sư thì quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể không được bảo vệ đầy đủ. Do đó, cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh 09 về chỉ định Luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Quang Anh