Tư tưởng Hồ Chí Mình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Không chỉ là tấm gương sáng, mẫu mực trong thực hành tiết kiệm mà trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tiết kiệm, chống lãng phí để tăng gia sản xuất, tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng quan điểm, tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị và không ngừng được kế thừa và phát triển. Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, trong hoạt động của mình cũng luôn đề cao và nhấn mạnh quan điểm của Người, nỗ lực kiến tạo thể chế để phát triển, phục vụ lợi ích của nhân dân và đất nước.

Theo ông Chu Đức Tính, nguyên giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, tiết kiệm là một trong những nội dung được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết mực coi trọng. Và trong cuộc sống hàng ngày từ cách ăn, mặc, ở và sinh hoạt, Bác luôn là một tấm gương sáng ngời trong thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.

Ông CHU ĐỨC TÍNH, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Trong trưng bày này đây là một phần trưng bày rất nhỏ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chiếc áo lụa nâu đã sờn đã vá ở vai và đã bít kê ở cổ nhưng Bác vẫn không cho thay bởi vì Bác bảo còn dùng được là còn dùng. Ba hiện vật các cháu nhìn thấy đây cái bút chì, bút mực, viên đá chèn giấy, cái thước kẻ. Toàn là những thứ do Việt Nam sản xuất. Bác đều rất khuyên cán bộ Đảng viên trong mọi điều kiện khi nước mình còn nghèo cố gắng tăng gia sản xuất và phải dùng cái gì chúng ta làm được. Và đồng thời ngay cả viên đá chặn giấy này bác nhặt được ở suối cũng vừa là kỷ niệm một chuyến đi nhưng đồng thời cũng là viên chặn giấy mỗi khi dùng quạt mà điều này không cần mua gì cả mà nhặt được rất nhiều ở sông suối Việt Nam. Tức là trong mọi điều kiện tiết kiệm được thì phải hết sức tiết kiệm, đấy là quan điểm của Hồ Chí Minh”

Tuy nhiên, theo ông Chu Đức Tính, trong quan điểm của mình, Bác đặc biệt phê bình kiểu tiết kiệm một cách phiến diện, tiết kiệm không có nghĩa là bắt cán bộ công nhân phải ăn đói mặc khát để tiết kiệm.

Ông CHU ĐỨC TÍNH, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Quan điểm tiết kiệm của Bác Hồ hết sức biện chứng và hết sức gần gũi với người đó là tiết kiệm tức là tiêu dùng hợp lý, một cái gì đáng tiêu thì tốn bao nhiêu cũng phải tiêu, những cái gì không đáng tiêu thì một xu cũng không được tiêu”.

Còn theo Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng-Học viện chính trị Quốc gia HCM, trong quan niệm của Bác, mục đích của việc tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của nhân dân.

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói rằng tiết kiệm không phải là bủn xỉn tức là cái gì đáng chi tiêu là phải tiêu. Cho nên tiết kiệm bây giờ hiểu bây giờ là cả đầu tư cho sản xuất, có sản xuất mới có phát triển, mạnh dạn đầu tư, đầu tư có trọng điểm, đầu tư có hiệu quả và như vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là không bủn xỉn là vì vậy. Đây là điều mà chúng ta vận dụng vào quản lý ngân sách tài chính của một quốc gia, thậm chí của một gia đình. Đây là một nền tài chính lành mạnh tập trung để phát triển”

Kế thừa và phát triển tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội thực hiện nhiều chuyên đề giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được quán triệt, coi đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành động, với mục tiêu cao nhất là hiệu quả, kiến tạo phát triển, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Theo tư tưởng của Bác Hồ thì là tiết kiệm, chống lãng phí, có nghĩa là phải tính hiệu quả là mục đích tối thượng. Dùng một đồng mà nó phải bằng 2,3 đồng, dùng một người làm việc bằng 2,3 người và dùng một thời gian một giờ thì lại bằng 2,3 giờ, tính hiệu quả mà, thì đánh giá cho được cái tính hiệu quả và xem xét cái việc tiết kiệm, chống lãng phí cho rõ”.

Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặc biệt lưu ý tiết kiệm, chống lãng phí không đơn thuần như cái kéo để cắt xén chi tiêu một cách cơ học, mà phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, kiến tạo thể chế, kiến tạo sự phát triển, và tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Thực hiện tinh thần của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cùng một đồng nhưng tạo ra giá trị thặng dư nhiều hơn, hoặc cùng một công việc nhưng làm bằng ít tiền hơn, hiệu quả hơn thì đó là tiết kiệm. Với Bộ tài chính thì nên tiếp cận theo hướng đó, nếu 1 tỷ đồng mà thực sự cần thiết thì chi ngay nhưng 1 đồng mà không cần thiết cũng không chi”

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần nhấn mạnh nhiều hơn đến yếu tố chi tiêu hợp lý, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ. Trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn hạn chế, tính toán để đầu tư ít nhất, nhưng tạo ra giá trị cao nhất là rất quan trọng.

Ông NGUYỄN VIẾT CHỨC, Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Chủ tịch Quốc Hội rất đúng, tôi rất ủng hộ quan điểm này. Thế thì câu tiết kiệm ở đây không có nghĩa là cách xén chỗ này chỗ kia, cắt xén đồng loạt, không phải thế mà cái việc đáng làm thì phải làm. Vấn đề lợi ích cho nhân dân lợi ích cho sự phát triển của đất nước nên tôi rất ủng hộ ý kiến của ông Chủ tịch Quốc hội”

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lại chưa tương xứng với những thành tựu kinh tế đạt được. Đâu đó vẫn có sự lãng phí rất lớn ở các dự án quy hoạch “treo”, những thất thoát lớn và không đồng bộ trong xây dựng kết cấu hạ tầng; Sự thua lỗ của nhiều nhà máy quy mô ngàn tỷ đồng của các tập đoàn nhà nước…Sự lãng phí này càng cho thấy, học tập quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí phải là công việc thường xuyên, liên tục ở mọi cơ quan, ban ngành và ở mọi tầng lớp nhân dân. Bởi theo Người, nếu chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ nhằm giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức, thì đạt được các mục tiêu đã đề ra. 

Lê Phương