Tự chủ bệnh viện: Vì sao thất bại?

Sáng ngày 24/10, góp ý vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có những quy định cụ thể trong việc quy định tự chủ các cơ sở y tế công lập trong luật.

Theo một số đại biểu hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ song dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ.

Bà TRẦN KHÁNH THU - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “Trong nội dung về tự chủ tài chính, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, tiêu chí phân loại, mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, mức độ tự chủ tương ứng với tỷ trọng dịch vụ không sử dụng ngân sách Nhà nước hay tỷ lệ đảm bảo kinh phí, đồng thời cần đi kèm tự chủ ở các lĩnh vực khác như tự chủ về hoạt động chuyên môn, tự chủ về nguồn nhân lực hay quyền được mua sắm, đấu thầu trong hoạt động tự chủ. Phân loại mức độ tự chủ của bệnh viện công lập cần gắn với phân hạng bệnh viện và việc phân hạng bệnh viện phải dựa trên cơ sở đánh giá chất lượng bệnh viện.”

Cùng quan điểm đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết trong 121 điều của dự thảo Luật chỉ có duy nhất 1 từ "tự chủ" được nêu ở điều 106 đó là "chi của ngân sách cho tự chủ". Đại biểu đề nghị cần có một nội dung, một chương hoặc một mục liên quan đến cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế.

Ông TRỊNH XUÂN AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: "Tôi cho rằng tự chủ cũng giống như dòng sông được khơi thông thì con thuyền (các bệnh viện công) mới được an toàn và thuận lợi. Song nếu không cẩn thận thì con thuyền đấy rất dễ bị đắm. Thực tế cơ chế cho các bệnh viện tự chủ vừa qua (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K) thì gần như con thuyền bị đắm vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến trốn".

Góp ý về vấn đề tự chủ của bệnh viện công, đại biểu Hoàng Văn Cường lấy ví dụ về Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K là những bệnh viện lớn, nơi có đầy đủ các điều kiện, thế mạnh để thực hiện tự chủ thì lại xin thôi thực hiện cơ chế tự chủ, quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách, trong khi rất nhiều các cơ sở y tế bấy lâu nay mong chờ được thực hiện tự chủ.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Cũng cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định quyền năng đi đôi với mức độ tự chủ mà bệnh viện đã làm được. Thêm nữa, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt đối với so với cơ chế chưa tự chủ trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí. Cơ chế tính đúng tính đủ đối với các cơ sở khám chữa bệnh chưa tự chủ cần phải dựa vào yếu tố kỹ thuật và nằm trong khung giá dịch vụ y tế do Bộ Y tế ban hành.”

Bên cạnh đó, cần định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với việc tự chủ để tự quyết định sử dụng nguồn thu, tự quyết định mức chi trả tiền lương, cũng như tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển cũng như các quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.