Truyền hình Quốc hội với Bộ trưởng: Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023 đã tạo đà cho năm 2024

Năm 2023, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Những thách thức mới phát sinh từ diễn biến phức tạp của thế giới. Nhưng nhờ chủ động trong điều hành, lũy kế thu ngân sách nhà nước đến hết ngày 31/12/2023 ước đạt hơn 1.752.500 tỷ đồng, vượt hơn 8% so với dự toán. Trong đó, ngân sách Trung ương vượt 5,9%; ngân sách địa phương vượt 10,6%. Đáng chú ý, thu nội địa vượt 10,1% dự toán, tăng 1,7% so với thực hiện năm 2022, với 11 khoản thu, sắc thuế vượt dự toán.

Về chi ngân sách, lũy kế chi NSNN cả năm 2023 ước đạt 1.731.900 tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 87,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 90,3% dự toán. Ngân sách các cấp đã chủ động đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ ngày 1/7/2023.

Trong năm 2023, bộ tài chính thực hiện phát hành 298,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,58 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm, đảm bảo nguồn bù đắp bội chi và thanh toán chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương. Đến cuối năm 2023, dư nợ công dự kiến khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép.

Đáng chú ý là chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng.

Việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023 đã tạo đà cho năm 2024. Tuy nhiên, tình hình thế giới vẫn biến động mạnh, khó lường, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm; các doanh nghiệp còn khó khăn do thị trường bị thu hẹp; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế tác động làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước... là những thách thức trong việc điều hành chính sách tài khóa năm 2024. Do vậy, vẫn cần một kế hoạch điều hành tài chính, ngân sách tổng thể với các giải pháp chi tiết, nhằm ứng phó linh hoạt với thực tiễn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!

Thanh Nga -

Hồng Dũng