Trường học gắn với lịch sử truyền thống qua mô hình “bảo tàng thu nhỏ”

Tận dụng diện tích đất trong khuôn viên, một trường tiểu học tại xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã có cách làm sáng tạo. Đó là xây dựng một “bảo tàng thu nhỏ” mô phỏng các nhân vật lịch sử và các địa điểm di tích gắn với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Một phương pháp giảng dạy môn lịch sử sáng tạo để giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.

Dưới những tán cây xanh, ngay trong khuôn viên của nhà trường. Một “bảo tàng lịch sử” được chính thầy và trò trường Tiểu học Khánh Yên Thượng xây dựng nên. Từ những hình ảnh dân gian hết sức quen thuộc như chú tiểu cưỡi trâu thổi sáo, hoa sen đến những nhân vật lịch sử những điểm di tích nổi tiếng qua các thời kỳ lịch sử trung đại đến hiện đại như Bà Trưng, Bà Triệu hay Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cột cờ Hà Nội.

Một tiết học lịch sử diễn ra ngay trong khuôn viên trưng bày di tích của nhà trường. Các em học sinh vừa được thầy cô truyền đạt kiến thức vừa quan sát hình ảnh thực tế và hoạt động nhóm. Môn lịch sử vì thế cũng trở nên thú vị hơn.

Tại các trường học vùng cao, điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị còn nhiều khó khăn nên phần lớn các môn học xã hội vẫn dạy theo phương pháp truyền thống. Bởi vậy, tiết học trải nghiệm mô hình lịch sử không chỉ giúp học sinh nắm vững lý thuyết mà còn vun đắp trong các em niềm tự hào về truyền thống dân tộc.

Mô hình trường học gắn với thực tiễn ngày càng được nhân rộng tại nhiều trường vùng cao. Các tiết học trú trọng việc truyền cảm hứng, phát huy tính chủ động của học sinh theo đúng chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng tới.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!

Hồng Ngọc