TPHCM có nhiều công chức, viên chức nghỉ việc nhất cả nước

Chiều 27/10, trong phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong đó, trọng tâm là nội dung liên quan đến vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc, cũng như nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Làm rõ thực trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà dẫn số liệu tổng hợp của 63 địa phương và các bộ, ngành cho thấy từ 1/1/2020 đến 30/6/2022, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, số công chức, viên chức thôi việc tập trung nhiều nhất ở TP.HCM (hơn 6.700 người) , Đồng Nai và Hà Nội mỗi nơi hơn 2.000 người; các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ trong khoảng 800-900 người. Tính theo lĩnh vực thì ngành giáo dục có 16.424 người người nghỉ việc (41,53%), y tế là 12.198 người (30,84%).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công chức, viên chức nghỉ việc trong hai năm diễn ra đại dịch là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Singapore và các nước khối ASEAN.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới một thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu. Đồng thời thị trường lao động đòi hỏi khả năng kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, các vùng trong cả nước, giữa nông thôn với thành thị, giữa khu vực công với khu vực tư, với các nước trong khu vực và quốc tế.

Do vậy, người lao động có cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động. Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta. Đồng thời tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư.

Bên cạnh đó, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở khu đô thị, tạo cơ hội cho người lao động ra vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu lao động cũng như yêu cầu xu thế của tự chủ, xã hội hóa khu vực sự nghiệp công.

Về giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà xác định cần trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới. Trước hết, tại kì họp này, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%).

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết phần giải trình của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà! 

Mai Phương