TPHCM: 5 năm chỉ có 2 trường hợp đưa vào trại giáo dưỡng vì vướng luật

Sáng 26/4, đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức khảo sát việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến tư pháp người chưa thành niên trên địa bàn. Theo đó, đại biểu đặc biệt quan tâm và cho ý kiến tới các biện pháp xử phạt đối với trẻ chưa thành niên phạm tội, nhất là các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Theo đại biểu, thực tiễn khi xử các vụ án hình sự, tỷ lệ áp dụng biện pháp cưỡng chế như tạm giữ, tạm giam, hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ rất cao. Đồng thời, trước khi hồ sơ chuyển tới toà án thụ lý, những đối tượng này đã phải trải qua thời gian tạm giữ, tạm giam rồi. Điều này đã gây ảnh hướng tới tâm lý, việc học tập và tương lai sau này của trẻ. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em vi phạm được đưa vào trường giao dưỡng lại chiếm số lượng rất ít. Trong 5 năm, từ 2018 - 2023, TP chỉ có 2 trường hợp được đưa vào trại giao dưỡng vì phạm tội ở mức rất nghiêm trọng. Nguyên nhân là do các quy định của Luật hiện hành không phù hợp.

Đại biểu cho rằng, trẻ dưới 18 tuổi, thậm chí là 21 tuổi, nhận thức về pháp luật, xã hội vẫn chưa cao. Do đó, nếu áp dụng theo quy định của các Luật hiện hành là tương đối nghiêm khắc. Đại biểu đề nghị cần có Luật riêng dành cho trẻ chưa thành niên phạm tội.

Đại biểu cũng phân tích và đề nghị cân nhắc nhiều biện pháp chuyển hướng khác thay thế cho hình phạt tù như nộp tiền, cấm tiếp xúc, giới hạn thời gian đi khỏi nơi cư trú... cho hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Những nội dung này sẽ được đoàn ĐBQH TPHCM tổng hợp, nghiên cứu để có cơ sở góp ý cho dự án Luật Tư pháp Người chưa thành niên trong kỳ họp sắp tới.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Vân -

Văn Tài