Tiêu điểm: Vai trò của các khu bảo tồn thiên nhiên

Hiện, Trái Đất đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng lớn. Đó là biến đổi khí hậu; Suy giảm các hệ sinh thái, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Các khủng hoảng này đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bảo vệ tốt các khu bảo tồn được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để ứng phó với những khủng hoảng này. Vậy các khu bảo tồn của Việt Nam đang có thực trạng thế nào và được quản lý ra sao? Chúng ta cần phải lưu ý những gì khi bảo vệ các khu bảo tồn mình đang sở hữu?

Đây là Vườn quốc gia Xuân Thủy- Khu RAMSAR của Việt Nam và Đông Nam Á. Nơi đây được giới khoa học ví như bức “tường xanh” châu thổ sông Hồng bởi từ khi hơn 7.000ha rừng ngập mặn tại đây được hình thành không những đã tạo thành bức tường xanh chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà còn tạo sinh kế nương theo tự nhiên cho hàng nghìn cư dân trong vùng. Chính vì vậy thời gian gia Vườn quốc gia Xuân Thủy đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ diện tích đất ngập nước của mình.

Là chuyên gia nghiên cứu về tài nguyên rừng, đã thực địa nhiều vùng đất ngập nước của Việt Nam, nhưng mỗi lần đến với vùng lõi của Ramsar Xuân Thủy, PGS.TS Trần Ngọc Hải luôn cảm thấy yên tâm khi thấy diện tích đất ngập nước bao gồm các cánh rừng ngập mặn rộng hàng nghìn ha ở đây luôn được bảo tồn khá tốt.

Rừng ngập mặn được bảo vệ tốt đồng nghĩa với việc diện tích đất ngập nước sẽ được bảo tồn hiệu quả. Nơi đây sẽ trở thành nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản quý, là nguồn thu nhập của người dân sống quanh Vườn quốc gia Xuân Thủy. Chính vì vậy, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã phối hợp cùng địa phương thành lập các tổ cộng đồng tự quản vừa khai thác vừa bảo vệ rừng.

Không chỉ đẩy mạnh công tác duy trì, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, Việt Nam đang tiếp tục mở rộng mạng lưới khu bảo tồn tự nhiên. Cụ thể, tính tới năm 2023, cả nước đã thành lập 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan. Nếu việc duy trì đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn nào cũng được triển khai tốt, môi trường sống của chúng ta sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai.

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành công trong việc quy hoạch và thiết lập hệ thống khu bảo tồn, đồng thời cũng có không ít thành quả trong việc đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước, tuy nhiên, vì là một nước đang phát triển nên công việc này của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với không ít thách thức. Đặc biệt là đang xuất hiện mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ khu bảo tồn.

Theo Quyết định 2159 của tỉnh Thái Bình, đây là Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Khu bảo tồn này có diện tích 12.500ha và trải dài trên ba xã Nam Thịnh, Nam Hưng và Nam Phú. Tuy nhiên, để phù hợp với quy hoạch chung khu kinh tế của tỉnh, Thái Bình đã tiến hành rà soát, xác định lại vị trí của Khu bảo tồn. Theo quyết định mới này của tỉnh Thái Bình, diện tích của Khu bảo tồn Tiền Hải chỉ là 1.320 ha

Trước quyết định thu hẹp khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha của tỉnh Thái Bình, nhiều ý kiến cho rằng cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bởi làm vậy sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện đáng trăn trở khi bảo tồn mâu thuẫn với phát triển kinh tế từ vùng đất ngập nước. Theo các chuyên gia, mẫu thuẫn này không chỉ diễn ra ở Thái Bình mà vốn là thực trạng khá phổ biến thời gian qua tại nhiều địa phương.

Dung hòa giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề rất khó giải quyết trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển về kinh tế - xã hội cùa hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế là tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt như hỏa hoạn, hạn hán, lũ lụt dường như đang diễn ra với tần suất dày đặc và nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy chúng ta cần phải sớm tìm ra giải pháp để dung hòa mâu thuẫn này. Để có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi ý kiến của ông Oemar Idoe- Trưởng khối các Dự án về môi trường, biến đổi khí hậu và Nông nghiệp, GIZ Việt Nam.

Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, quá trình phát triển kinh tế cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường, các hệ sinh thái, làm suy giảm đa dạng sinh học. Dẫu biết trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phát triển kinh tế là vô cùng quan trọng, nhưng phát triển theo hướng nâu hay xanh, phát triển nóng hay bền vững cũng là điều cần phải cân nhắc. Và vì vậy bảo vệ tính đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên là việc làm không thể xem nhẹ.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam