Tiêu điểm: Bất lực nhìn rừng phòng hộ ven biển "chết" dần

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Rừng được cho là cứu cánh trong việc duy trì nguồn sống và khả năng tự bảo vệ của con người trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Nhưng thực tế, rừng, đặc biệt rừng ngập mặn lại đang bị suy giảm nghiêm trọng, trong khi việc bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đây là những hình ảnh chúng tôi ghi nhận tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy, dẫn đến cát vùi lấp khiến cho diện tích rừng trồng đã thành rừng, cây đang sinh trưởng phát triển xanh tốt nay bỗng bị chết hàng loạt. Đáng lo ngại hơn, hiện tượng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và các cơ quan chức năng cũng đành bất lực đứng nhìn rừng chết dần:

Theo ngành chức năng, trung bình mỗi năm Cà Mau mất từ 300 đến 400 héc ta đất và rừng ngập mặn ven biển do tác động của biến đổi khí hậu. Thống kê trong 10 năm trở lại đây có khoảng 5.200 héc ta rừng ngập mặn phòng hộ đã mất vì sạt lở.

Theo báo cáo của ngành Lâm nghiệp, thời gian qua độ che phủ rừng của Việt Nam giữ ổn định khoảng 42%, nhưng rừng ven biển lại bị suy thoái. Rừng ngập mặn đã bị suy giảm theo thời gian, từ hơn 400.000ha năm 1945, nay xuống chỉ còn hơn 200.000ha. Công tác khôi phục và phát triển rừng hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn có tính đặc thù, rất nhạy cảm với những tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc phát triển rừng ngập mặn có rủi ro nhiều lần hơn so với rừng trên cạn.

Nguồn lực cần cho phát triển rừng ngập mặn rất lớn, đây cũng là thách thức. Đặc biệt hiện nay những khu vực cần khôi phục rừng thuộc dạng lập địa khó khăn, đòi hỏi phải có các giải pháp kĩ thuật rất cao, bao gồm giải pháp công trình cần chi phí lớn. Theo dự toán của các địa phương có rừng, bình quân để trồng 1 ha rừng phòng hộ trên đất liền mất khoảng 60 triệu đồng, nhưng rừng ngập mặn chi phí lên tới 200 triệu đồng. Thậm chí ở những khu vực khó chi phí có thể lên gấp 10 lần.

Trong bối cảnh BĐKH đang tác động sâu vào đời sống kinh tế, xã hội hiện nay, phát triển bền vững rừng ngập mặn được coi là giải pháp quan trọng nhằm giúp giảm thiểu và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, cũng như đóng góp vào mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đã cam kết.

Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng: khả năng hấp thụ carbon của rừng ngập mặn vượt trội hơn so với rừng trên cạn gấp 4 - 10 lần tùy trữ lượng carbon và tùy địa hình. Với lợi thế về chất lượng và diện tích rừng ngập mặn vào tốp đầu trên thế giới, chúng ta có cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon giá trị cao, có thể mang lại khoản ngân sách lớn cho việc bảo tồn và tăng cường diện tích rừng hiện nay.

Theo tính toán sơ bộ, với độ che phủ rừng của Việt Nam hiện nay là trên 42% thì tổng lượng hấp thụ CO2 hằng năm lên đến gần 70 triệu tấn, trong khi lượng phát thải hằng năm của ngành lâm nghiệp khoảng 30 triệu tấn. Cho thấy, tiềm năng bán tín chỉ các bon là rất lớn. Trong giai đoạn 2023-2030, mỗi năm có thể có hàng triệu tấn CO2 đem ra tín chỉ hóa và giao dịch, từ đó có nguồn tài chính bù đắp lại khoản kinh phí bảo vệ, phát triển rừng mà mức hỗ trợ của nhà nước chưa bảo đảm, giảm thiểu áp lực lên ngân sách nhà nước.

Trên thế giới hiện đã hình thành khái niệm “thị trường carbon giá trị cao”, lấy yếu tố bảo tồn Đa dạng sinh học là cốt lõi. Điều này có nghĩa, nếu khu rừng ngập mặn hướng đến mục tiêu hấp thụ carbon, đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng về bảo tồn đang dạng sinh học, đảm bảo tác động về xã hội như tạo sinh kế cho người dân, giảm tình trạng di cư do biến đổi khí hậu… thì tín chỉ carbon từ khu rừng ấy sẽ có giá trị cao gấp hàng chục lần rừng thường. Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để tham gia thị trường này.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó lường, gây ra những tác động lan rộng và đôi khi "không thể đảo ngược" đối với con người và đến hệ sinh thái. Trong tương lai, rừng ngập mặn chính là công cụ đắc lực của con người trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy chúng ta cần phải hành động nhanh và khẩn thiết ngay từ lúc này.

Kim Thanh