Có nên khai tử buýt nhanh BRT ở Hà Nội?

BRT Hà Nội, dự án nghìn tỷ, sau 7 năm vận hành vẫn chưa thể đánh giá là thành công hay thất bại. “Đau 1 lần rồi thôi” hay tiếp tục giữ lại?

Mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Trả lời về những thắc mắc của đại biểu về việc Hà Nội có nên tiếp tục xây dựng các tuyến BRT còn lại theo quy hoạch hay không, trong bối cảnh tuyến này hiện đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, thành phố sẽ thay thế BRT bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.

Thông tin này nhanh chóng đã gây được sự chú ý của nhiều người dân và các chuyên gia, bởi BRT không phải là 1 khoản đầu tư nhỏ và nó mới chỉ hoạt động được 7 năm. Vậy tuyến BRT đang hoạt động như thế nào?  

Một chuyến xe buýt bắt đầu xuất phát từ điểm đầu tuyến là bến xe Yên Nghĩa, số lượng người trên xe hiện là hơn 20 người. Nhanh chóng qua mỗi trạm, số lượng này bắt đầu tăng dần lên. Trung bình, lượng người trên những chuyến xe như thế này đạt được từ 30-40 khách. Đỉnh điểm giờ cao điểm là 60-70 người.

Theo đánh giá của Tổng Công ty vận tải Hà Nội, BRT hiện đang là 1 trong những tuyến bus dẫn đầu về sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt. Và thực tế, trong giờ cao điểm có rất đông người dân sử dụng loại hình vận tải công cộng này.

Ở góc nhìn của các chuyên gia, BRT hiện vẫn đang là tuyến buýt có sản lượng vận tải hành khách lớn nhất trong các tuyến buýt hiện nay với 5,5 triệu lượt khách/ năm. Nhưng so với mục tiêu ban đầu khi xây dựng tuyến chưa đạt, bởi Hà Nội chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện then chốt để vận hành BRT.

Vào năm 2021, Thanh tra Chính phủ từng kết luận: Tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội gây thất thoát, chưa đạt hiệu quả như mong đợi và kiến nghị Hà Nội thu hồi hơn 42 tỉ tiền sai phạm tại một gói thầu trong dự án này, nếu các đơn vị liên quan không thực hiện thì chuyển sang cơ quan điều tra xử lý.

Ba năm trôi qua, chưa có thông tin nào về kết quả thu hồi tiền sai phạm hay xử lý đến đâu. Con số 42 tỉ đồng mới chỉ là một phần rất nhỏ trong các dấu hỏi về kinh tế của dự án. Cũng không ai biết vận hành dự án này lời lãi ra sao, bởi các con số báo cáo đã nhiều năm không hề xuất hiện.

Đến nay, vẫn chưa thấy tuyên bố nào về một hướng đi dứt khoát cho BRT được đưa ra từ những người có trách nhiệm. Phải chăng, quy hoạch đường sắt trên hành lang của BRT 01 như một hình thức “mặc đồng phục” giao thông, để che đi tấm áo quá đắt đỏ bị "may lỗi" mà không thể nào “bắt đền” ông thợ?

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Khánh An -

Hoàng Minh