Tiêu điểm: 12 nhóm vấn đề quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chỉ còn 2 ngày nữa là Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc. Một trong điểm nhấn lập pháp quan trọng của kỳ họp thứ 6 nói riêng và cả nhiệm kỳ này nói chung là Luật đất đai - sửa đổi, dự thảo luật tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, được đông đảo cử tri đặc biệt quan tâm.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Để đi tới được Kỳ họp tháng 10/2023 này, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng hết sức công phu. 

Việc sửa luật được chính thức khởi động từ cách đây 3 năm, khi vào tháng 8/2020, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đến giữa năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW. Nghị quyết này là kim chỉ nam định hướng các văn bản pháp luật đẩt đai trong thời gian tới. Tháng 10/2022, sau kỳ họp thứ 4, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ TN&MT đã hoàn thiện Dự thảo và lấy ý kiến Nhân dân trong vòng 2 tháng rưỡi, từ 3/1/2023 đến 15/3/2023. 

Có thể nói, sau đợt lấy ý kiến nhân dân xây dựng Hiến pháp 2013, thì đợt lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai lần này diễn ra sâu rộng nhất , đã huy động được hơn 12 triệu lượt ý kiến tâm huyết góp ý vào dự thảo luật. Đồng thời, để xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai để tránh chồng chéo, mâu thuẫn... 

Sửa đổi Luật Đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật là minh chứng rõ nét cho quan điểm làm luật “từ sớm, từ xa” của Quốc hội và các cơ quan soạn thảo.

Dự thảo luật có rất nhiều chính sách mới, được tổng kết thành 12 nhóm vấn đề mà Quốc hội đã gửi đến các đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để yêu cầu đóng góp ý kiến tập, trung hoàn thiện dự thảo Luật. 

Sau thời gian khá dài lấy ý kiến nhân dân với nhiều phiên bản sửa đổi, Dự thảo mới nhất công bố cuối tháng 9 vừa qua cho thấy nhiều điểm mới trong phương pháp tiếp cận đất đai.

Theo cơ quan soạn thảo, dự thảo Luật đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18.

Chính phủ, các cơ quan liên quan đã rất nỗ lực, cố gắng trong quá trình xây dựng dự án Luật này. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi rộng, nội dung khó. Vì vậy, cần đặc biết lưu tâm, không trình Quốc hội 1 bản dự thảo Luật “chín ép”. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần quyết tâm cao nhất để có được bản dự thảo Luật tốt nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Trang -

Cao Hoàng -

Anh Đức -

Xuân Tiến -

Hoàng Minh -

Công Kiên