Tích hợp quy hoạch khó thực hiện lại thiếu "nhạc trưởng"

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Quốc hội đã chọn đúng, trúng nội dung giám sát. Đây là chuyên đề giám sát tối cao mang tính thời sự, thực tiễn để Chính phủ, Quốc hội xem xét lại một cách nghiêm túc, căn cơ việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, không để tình trạng “loạn quy hoạch”.

Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, khó chưa được luận giải thấu đáo qua cả 2 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV nên việc triển khai gặp nhiều vướng mắc, trong đó việc tích hợp quy hoạch và trả lời ai là nhạc trưởng của vấn đề này.

Với góc độ là công trình nghiên cứu khoa học, đại biểu đặt câu hỏi về phạm vi, đối tượng, mục tiêu và nội dung nghiên cứu của Luật Quy hoạch 2017 mang tính tích hợp là gì? Luật xây dựng theo hướng tích hợp các loại quy hoạch phi vật thể và quy hoạch vật thể với hàng trăm loại quy hoạch khác nhau, qua quá trình thực hiện cho thấy thực sự bất cập, không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi.

Bà NGUYỄN THỊ XUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Việc thực hiện lập quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch được thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình quy phạm nào? Đã có trường nào đào tạo chuyên môn về quy hoạch tích hợp này chưa và ai và hành quy hoạch nào được coi là kiến trúc sư chủ trì đồ án quy hoạch tác hợp này. Đây là vấn đề lớn về mặt khoa học, chưa bao giờ giảm trình tường minh về mặt thực tế và pháp lý thì còn rất nhiều các cái mâu thuẫn.”

Cho đến nay, vẫn chưa có một nhạc trưởng tổng thể về quy hoạch và tích hợp quy hoạch. Một số đại biểu đề nghị cần giao Chính phủ hướng dẫn quy trình lập quy hoạch, phương pháp tích hợp.

Ông NGUYỄN HẢI ANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Nội hàm tích hợp quy hoạch được giải thích tại Khoản 10 Điều 3 Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, luật không quy định do cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về quy trình lập kế hoạch bằng phương pháp thích hợp nên thời gian qua khó triển khai trong thực tiễn.”

Ông TẠ VĂN HẠ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Vấn đề tích hợp ngành này với ngành khác, cấp này với cấp khác còn khó khăn, thậm chí là hiện tại với tương lai nữa. Và hiện nay, cái khó nữa là nhạc trưởng, chúng ta còn thiếu nhạc trưởng. Bây giờ ai là người tích hợp giữa các vùng, địa phương, lĩnh vực, làm sao để liên thông tốt hơn, không đồng bộ, chồng chéo.”

Tích hợp quy hoạch không chỉ là ghép lại các bản quy hoạch mà phải thực hiện đồng thời theo cả chiều dọc, bề ngang và ở tất cả các cấp ngành địa phương để tạo sự thống nhất.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi e rằng quy hoạch tỉnh làm trước, quy hoạch vùng chỉ là mảnh ghép của quy hoạch tỉnh, tôi lo rằng sẽ không tuân thủ nguyên tắc quy hoạch cấp dưới tuân thủ quy hoạch cấp trên.”

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Nội dung tích hợp quy hoạch cần tích hợp các ngành nghề có liên quan đến nhau để đảm bảo thực tế.”

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận, việc tích hợp các quy hoạch vào một quy hoạch chung là rất khó khăn để thực hiện.

Ông TRẦN HỒNG HÀ - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Về kinh nghiệm thế giới và thực tiễn, chúng tôi cho rằng, việc đưa ra 1 quy hoạch kể cả cấp tỉnh, cấp quốc gia mà có khả năng tích hợp trong 1 quy hoạch là rất khó khăn về mặt kỹ thuật với 1 bộ cung cấp toàn bộ dữ liệu về thông tin địa lý hiện nay là chưa thể thực hiện được.”

Mỗi quy hoạch có thông số chỉ tiêu kỹ thuật, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn khác nhau, vì vậy các đại biểu Quốc hội cũng lo ngại, việc tích hợp sẽ được thực hiện thế nào? Với gần 20.000 quy hoạch thời kỳ 2010-2020, bộ lọc nào để có thể rà soát, điều chỉnh, bổ sung và loại bỏ những quy hoạch không phù hợp để thực hiện việc tích hợp?