Thổi hồn cho sắc màu thổ cẩm Tây Nguyên

Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống có từ lâu đời, đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của Ê-Đê tại Đắk Lắk nói riêng và đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung. Cùng với thời gian, nghề dệt thổ cẩm đang bị mai một dần, không có nhiều cô gái trẻ biết dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, nhiều người phụ nữ Ê-Đê đã gìn giữ để nghề dệt trường tồn ở các buôn làng.

Phải mất vài tuần đến cả tháng ngồi bên khung cửi, những người phụ nữ này mới dệt xong 1 tấm thổ cẩm. Người Ê-Đê thường chọn màu đen và đỏ làm nền chủ đạo trên thổ cẩm. Đen và đỏ tượng trưng lần lượt cho đất và lửa. Điểm xuyết thêm các màu sắc như: xanh, vàng, trắng. Các hoa văn về cỏ, cây, hoa, lá, chim muông, thú… gần gũi với cuộc sống được đưa vào thổ cẩm cách điệu dưới dạng như: hình tam giác, chữ nhật, hình thoi, mũi tên, đường gấp khúc, song song.

Nếu đến Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, chúng ta dễ dàng bắt gặp tiếng nói, cười rộn ràng của các chị em bên các sản phẩm thổ cẩm rực rỡ. Sau gần 20 năm, vận động, dạy nghề, bà H’Yam đã lập nên hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông với có 45 thành viên. Với các sản phẩm độc đáo, doanh thu của hợp tác xã có năm đạt 1,2 tỷ đồng. Nhiều thế hệ trong buôn làng tiếp tục gắn bó với nghề dệt.

Để tạo hoa văn, người dệt phải có chủ ý từ khi mắc sợi. Tuỳ theo trang phục mà họ chọn các hoa văn phù hợp. Dù bị ảnh hưởng từ quá trình phát triển và giao lưu văn hoá, sản phẩm thổ cẩm hiện nay không hoàn toàn làm thủ công như trước. Đa dạng, cách tân từ váy, áo, túi xách, khăn trải bàn… phù hợp với hiện đại nhưng vẫn lưu giữ các hoa văn độc đáo và đáp ứng với nhu cầu thị trường.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Đức Hưng