Thiếu vốn, đường Hồ Chí Minh vẫn chưa thể nối thông toàn tuyến

Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị quyết 66 của Quốc hội, đến năm 2020 phải hoàn thành nối thông toàn tuyến nhưng đến nay vẫn còn 3 đoàn tuyến chưa thể triển khai do thiếu vốn. Đây là vấn đề đặt ra ở phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết 66 của Quốc hội, kế hoạch triển khai Dự án Đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Sau 2 năm thông xe, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thái Bình, huyện Yên sơn, tỉnh Tuyên Quang, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi hơn rất nhiều. Giao thương đi lại thuận tiện, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Anh NGUYỄN MẠNH DŨNG - Chủ tịch UBND xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang: “Con đường mang tên Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn xã chúng tôi có ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Về mặt kinh tế thì tuyến đường nối với Quốc lọi 2C, Quốc lộ 37, tới đây sẽ kết nối với cao tốc nên rất thuận lợi cho giảm giá thành vận tải hàng hoá giao thương, rút ngắn khoảng cách đi lại”.

Là dự án có ý nghĩa chính trị quan trọng, nhưng đến nay, bên cạnh những đoạn tuyến đã hoàn thành, đường Hồ Chí Minh vẫn còn 3 đoạn chưa thể triển khai và vì thế, con đường mang tên Bác vẫn chưa thể nối thông toàn tuyến. Đoạn Chợ Chu tỉnh Thái Nguyên nối đến Ngã ba Trung Sơn, Tuyên Quang là một trong những ví dụ. Nguyên nhân của việc dự án vẫn chưa thể triển khai là do chưa có vốn.

Ông NGUYỄN VIỆT LÂM - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang:Nếu không thông tuyến, đi lại rất khó khăn, phải đi vòng từ Thái Nguyên đi theo quốc lộ 7 sang, gấp 2 lần thời gian".

Cùng với đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn thì Đoan Hùng - Chợ Bến; Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận là 2 đoạn vẫn chưa thể thực hiện do thiếu vốn. Tổng chiều dài 3 đoạn là 171km và cần bố trí nguồn vốn 10.770 tỉ đồng để có thể triển khai. 

Ông LÊ VĂN SÁU - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh:Nguồn vốn còn hạn hẹp, việc bố trí vốn chưa được kịp thời nên chưa nối thông được. Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 66, chúng tôi đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí vốn từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa phân bổ và một phần vốn từ nguồn hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội”.

Tại phiên họp thường vụ thứ 9, chiều 10/3 vừa qua, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần rà soát, tránh đầu tư trùng lặp, làm rõ nguồn vốn, hình thức đầu tư cũng như tiến độ hoàn thành đối với các đoạn tuyến còn lại.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách: “Quan điểm tôi là lấy dự phòng càng ít càng tốt. Nguồn dự phòng xây dựng cơ bản từng năm vẫn còn, thống nhất với đề xuất Chính phủ, xem lại từ vốn đầu tư công trung hạn, vốn từ gói kích thích kinh tế và vốn dự phòng để chúng ta thực hiện” 

Khẳng định quyết tâm tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án Đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thông tin, việc huy động thu hút tư nhân tham gia đầu tư là rất khó, đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư.

Ông NGUYỄN VĂN THỂ - Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải: “Mong muốn của Bộ nếu như đợt này Quốc hội giám sát, thảo luận ban hành nghị quyết giao Chính phủ sử dụng ngay 10% dự phòng đến năm 2025 phải xong. Các đoạn Chợ Chu - ngã Ba Trung Sơn;  Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận rất cần thiết phải làm vì đây là những tuyến mới, nếu không làm thì không thông được đường Hồ Chí Minh. Mấy đoạn này không thể bot. Trong nghị quyết 66 đã ghi. Hiện nay Bộ đang rà soát 304 ngàn tỷ thực chất chỉ có 32 nghìn tỷ này đang toàn là dự án cấp bách bức xúc, cân đong đo đếm là không thể nào được, đề nghị ban hành nghị quyết riêng để tập trung chỉ đạo". 

Bên cạnh việc đề nghị rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án không đáp ứng yêu cầu tiến độ theo Nghị quyết; xem xét tổng thể nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của Trung ương, địa phương để có đánh giá tổng thể, tại phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình xin ý kiến Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch triển khai Dự án Đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới./.

Trương Tùng