Thi tuyển sinh lớp 10: Áp lực từ kỳ thi “nóng”

Chỉ hơn 50% thí sinh đỗ THPT công lập trong số hơn 110 nghìn thí sinh dự tuyển là thông tin thổi sức nóng của kì thi vào lớp 10 tại Hà Nội tăng chóng mặt. Vốn đã được đánh giá là “khó hơn thi đại học” bởi thí sinh không thể thi lại, không được chọn lại, tỉ lệ chọi thì ở mức cao, nên kì thi vào cấp 3 tại Hà Nội luôn thu hút sự chú ý lớn từ xã hội.

Và với người trong cuộc, sự căng thẳng thật khó để diễn tả bằng lời.

Buổi thi nào cũng chứng kiến những phụ huynh miệt mài chờ con. Dẫu thời tiết Hà Nội những ngày giữa tháng 6 nóng đến ngột ngạt, thì họ vẫn chờ.

Thế nhưng không phải đến tận ngày thi, những vị phụ huynh này mới căng thẳng đến vậy. Để chuẩn bị cho cuộc “tranh vé” vào lớp 10, nhiều gia đình đầu tư thời gian, công sức cho con từ rất sớm. Cùng chia sẻ những trông mong lẫn áp lực bên ngoài cổng thi suốt 3 ngày liền, nhiều phụ huynh lại đâm nở tình bạn đẹp.

Còn bên trong phòng thi, những thí sinh cũng không kém phần căng thẳng. Cho đến lúc cánh cổng trường thi mở ra, áp lực mới phần nào được giải tỏa.

Sức nóng của kì thi phần nhiều đến từ tỉ lệ đỗ chỉ 55,7%, có nghĩa gần 50% thí sinh dự tuyển đối diện với nguy cơ “trượt” cấp 3. Để đảm bảo “an toàn” cho con, nhiều phụ huynh cũng phải loay hoay tìm cách chống trượt.

Căn nguyên của áp lực và sự cạnh tranh gay gắt vào trường công liên quan đến chủ trương phân luồng, hướng đến 40% học sinh sau THCS theo học nghề. Vậy nên, chỉ tiêu vào lớp 10 mỗi năm ở các địa phương sẽ giảm dần. Chủ trương là vậy, nhưng tư tưởng của phần lớn phụ huynh vẫn muốn con đi theo con đường học thuật, nếu không đỗ trường công thì lại tìm trường tư. Vậy nên thực tế kỳ thi này cạnh tranh rất gay gắt, còn mục tiêu phân luồng vẫn không đạt được.

Có thể thấy sức nóng của kì thi này có hiệu ứng xã hội rất lớn. Trong bối cảnh áp lực thì khó mà nhìn nhận mọi việc theo cách thông thường. Có lẽ áp lực cũng khiến cho nhiều thí sinh bối rối trước đề thi toán bị in mờ, dẫn đến tình huống “phiên dịch” thành dấu trừ và giải thành 1 đáp án khác. Trước sự việc này thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định sẽ chấm cả 2 đáp án, miễn là các em có cách giải đúng.

Không chỉ thí sinh mà sự căng thẳng dường như lan đến tận hội đồng ra đề, dẫn đến sự cố hy hữu với đề thi chuyên Lý. Cộng tổng điểm tối đa của các câu trong đề thi, thí sinh chỉ có thể đạt 9,5 điểm thay vì 10 điểm như thang điểm phổ biến. Có lẽ đây là minh chứng rõ nhất của câu nói không có điều gì hoàn hảo trên đời này. Rất may sự cố này không ảnh hưởng đáng kể đến thí sinh, ngoại trừ việc điểm của các sĩ tử thi chuyên Lý sẽ có vẻ hơi thấp hơn 1 chút. Tạm gác những câu chuyện đầy căng thẳng sang 1 bên, thì mùa thi nào đi qua cũng để lại cho chúng ta nhiều khoảng khắc đẹp. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Phan Hằng