Thay đổi đầu mối quản lý biên chế hàng năm

Sáng 20/06, Bộ Nội vụ họp báo cung cấp thông tin định kỳ đến các cơ quan báo chí. Theo đó, việc tiếp tục tinh giản biên chế, sắp xếp các đầu mối quản lý nhà nước được đẩy mạnh từ thành công giai đoạn qua. Tới đây, sẽ có sự thay đổi lớn từ cơ quan giao chỉ tiêu biên chế công chức hàng năm, cũng như đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy: Đến hết năm 2021, biên chế công chức cả nước đã giảm được 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015...và hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% so với Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để tới đây phân cấp về quản lý, giao chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp quản lý.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ:Theo Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức cùng các nghị đinh hiện hành, Bộ Nội vụ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giao biên chế công chức cho các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, thẩm định số người biên chế công chức, viên chức cho các Bộ, ngành, địa phương. Nhưng phân cấp tới đây với các địa phương theo tinh thần của Bộ Chính trị là Ban Tổ chức TƯ sẽ trực tiếp giao luôn trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị và Kết luận của Ban chỉ đạo TƯ và sẽ phân cấp triệt để vấn đề quản lý và giao biên chế công chức - viên chức cho Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý, để đảm bảo quản lý đồng bộ giữa biên chế của khối Đảng - Đoàn thể cũng như là khối hành chính nhà nước.” 

Tinh giản biên chế nhưng phải nâng cao chất lượng công chức, viên chức. Bộ Nội vụ đã và đang tiếp tục lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức…Hình thức kiểm định sẽ tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính. Nội dung kiểm định là đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh dự thi trên các phương diện về kiến thức, kỹ năng, logic, bao quát những lĩnh vực về chủ trương, đường lối của Đảng, cũng như năng lực tư duy, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh. 

Ông NGUYỄN TUẤN NINH, Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức, Bộ Nội vụ: “Dự kiến chúng tôi sẽ trình Chính phủ vào tháng 9/2022 và sẽ tổ chức thực hiện luôn chứ không có việc thực hiện thí điểm. Về cơ bản, nghị định này qua các hội nghị, hội thảo góp ý kiến đã có sự đồng thuận rất cao về nội dung, phương pháp, cách làm đã thống nhất về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia kiểm định, thống nhất về chủ thể kiểm định.”

Theo Dự thảo Nghị định này, kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ có giá trị sử dụng trong 24 tháng, kể từ ngày quyết định phê duyệt kết quả kiểm định có hiệu lực. Dự kiến, khoảng 3 tháng nữa, Nghị định này này sẽ chính thức có hiệu lực, để hướng dẫn thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo Luật Cán bộ, Công chức 2020.

Cao Hoàng