Tập trung thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực

Thanh tra Chính phủ cần triển khai kế hoạch thanh tra năm 2024 theo hướng tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Đây là những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành thanh tra diễn ra vào sáng 29/12.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2023, toàn ngành đã triển khai gần 7.700 cuộc thanh tra hành chính và gần 194.000 cuộc thanh tra, kiểm sát chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế gần 258.000 tỷ đồng, 616 ha đất; ban hành hơn 126.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 6.400 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, và 490 đối tượng.

Qua thanh tra, ngành đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực;

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định, năm 2023 là năm đầu tiên ngành Thanh tra triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 nên khối lượng công việc tăng rất nhiều. Cùng với đó là nhiều đầu công việc khó như kiểm tra, rà soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao ngành thanh tra đã góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng, nhà nước đang phát động.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024 cần tập trung thanh tra để tăng trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt trong những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, được dư luận xã hội quan tâm.

Tiếp nhận chỉ đạo, Tổng Thanh tra Chính phủ cam kết toàn ngành sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có vi phạm. Đẩy mạnh công tác giám sát sau thanh tra, tăng tỉ lệ thu hồi tài sản do tham nhũng. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Trần Tiến -

Cao Hoàng