Tăng cường phối hợp với cơ quan của Quốc hội trong xây dựng pháp luật

Sáng 29/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2024 để xem xét, cho ý kiến đối với 5 nội dung, trong đó có 3 dự án Luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi) và 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); và Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).

Với đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện các chính sách để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào môi trường đầu tư, kinh doanh.  Việc xác định đối tượng áp dụng các chính sách thuế phù hợp với từng loại doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị công lập, thực hiện nhiệm vụ chính trị…; chính sách ưu đãi; chế tài chống thất thu thuế; bảo đảm tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách trong quá trình triển khai…

Đối với đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), các thành viên Chính phủ và khách mời quan tâm thảo luận các nội dung liên quan vấn đề phân cấp, phân quyền trong thi hành án dân sự; kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan liên quan; khuyến khích mở rộng thỏa thuận dân sự.
Các ý kiến thành viên chính phủ cơ bản tán thành với một số đề xuất trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi).

Nhấn mạnh "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển. Do đó phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với cơ quan của Quốc hội ngay từ khâu soạn thảo.

Trong năm 2024, Chính phủ tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024; tổ chức thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua năm 2023, có hiệu lực vào 2024, không để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Linh -

Đức Minh