Tân Tổng thống Sri Lanka tuyên thệ nhậm chức

Hôm nay 21/7, ông Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Sri Lanka. Dự kiến, ông Wickremesinghe sẽ sớm thành lập nội các với tối đa 30 bộ trưởng để lèo lái đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay.

Trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống tại Quốc hội Sri Lanka, ông Wickremesinghe giành được 134 phiếu bầu từ Quốc hội gồm 225 thành viên, bỏ xa 2 đối thủ còn lại. Trên cương vị Tổng thống, ông Wickremesinghe đối mặt với nhiệm vụ đưa Sri Lanka thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Tân Tổng thống sẽ đảm nhận chức vụ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, đến tháng 11/2024. 

Giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống, nhưng sự nghiệp chính trị của ông Ranil Wickremesinghe lại được đánh giá là khá đặc biệt và không mấy bằng phẳng. Ông từng làm 6 nhiệm kỳ thủ tướng, nhưng đều "đứt gánh giữa đường". Theo giới quan sát, ông Wickremesinghe là trường hợp hiếm thấy trên chính trường Sri Lanka suốt khoảng nửa thế kỷ qua. 

Từ khi dấn thân vào chính trường vào năm 1977, ông Ranil Wickremesinghe đến nay đã 6 lần được bổ nhiệm làm thủ tướng, với lần gần nhất là giữa năm nay, khi Sri Lanka lún sâu trong khủng hoảng kinh tế - chính trị nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Điều đáng nói là, ông Wickremesinghe chưa bao giờ làm trọn vẹn một nhiệm kỳ thủ tướng.

Quan lộ của ông thường xuyên bị cắt ngang bởi những cuộc khủng hoảng an ninh, chính trị, kinh tế khiến bộ máy lãnh đạo Sri Lanka xáo trộn. Dù vậy, Wickremesinghe luôn tìm ra cách "hồi sinh" sự nghiệp của mình. Theo giới quan sát, năng lực điều hành kinh tế vĩ mô được xem là thế mạnh của ông Wickremesinghe, được thể hiện trong 6 nhiệm kỳ thủ tướng dang dở.

Xuất thân là một luật sư, Wickremesinghe lần đầu được chỉ định vào ghế thủ tướng là năm 1993, nhưng nhiệm kỳ của ông kết thúc chỉ sau một năm, khi Đảng đoàn kết Dân tộc cầm quyền thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 8/1994. Sau đó, ông tiếp tục đảm nhận vai trò Thủ tướng vào các năm 2001, 2015, 2018.

Đến tháng 5 năm nay, giữa lúc tổng thống Gotabaya Rajapaksa bị bủa vây bởi khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị, ông Wickremesinghe một lần nữa có cơ hội thực hiện tham vọng chính trị của mình.

Chưa đầy hai tháng sau, khi làn sóng biểu tình sục sôi, ông Gotabaya Rajapaksa đã từ chức. Ông Wickremesinghe được Quốc hội chỉ định là quyền Tổng thống, nhưng tiếp tục kiêm nhiệm ghế thủ tướng. Với cuộc bỏ phiếu ở quốc hội vào ngày 20/7, ông Wickremesinghe chính thức chấm dứt nhiệm kỳ thủ tướng thứ 6 dang dở của mình để đảm nhận cương vị Tổng thống Sri Lanka.

Tổng thống Sri Lanka RANIL WICKREMESINGHE: "Quốc hội đang bị người dân chất vấn rằng tại sao chúng tôi không thể làm việc cùng nhau? Tại sao chúng tôi cố gắng cạnh tranh với nhau khi đất nước đối mặt với khủng hoảng? Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, chúng ta phải đoàn kết với nhau để tạo nên sự đồng thuận quốc gia trên con đường phía trước."

Người dân Sri Lanka: “Đây là 1 tín hiệu tốt, tôi tin rằng, cuộc khủng hoảng sẽ nhanh chóng lắng dịu. Nếu ông Ranil Wickremesinghe là tổng thống trước khi khủng hoảng nổ ra, ông ấy sẽ làm được một số điều tốt. Tôi tin tưởng vào ông ấy.”

Nhiều tháng qua, người dân Sri Lanka phải sống trong tình trạng thiếu thốn thường trực về thuốc men, nhiên liệu và thực phẩm. Quốc gia này hiện đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị tồi tệ nhất trong lịch sự. Quốc gia Nam Á này đang hy vọng vào các khoản viện trợ của nước ngoài để thoát khỏi khủng hoảng. 

Đinh Giang