Sắp xếp đơn vị hành chính vùng đồng bào dân tộc cần phù hợp văn hoá truyền thống và chính sách an sinh xã hội

Sáng ngày 17/03, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá tác động Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đa số các đại biểu đều cho rằng việc sắp xếp cần phải tính đến tính đặc thù của các vùng này.

Việc sắp xếp giảm các đầu mối đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương đúng đắn đã có sự đổi mới, tinh gọn về bộ máy hành chính góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, tiết kiệm ngân sách, đồng thời giúp dễ dàng trong quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá theo quy mô lớn. Tuy nhiên theo các đại biểu việc sắp xếp này còn một số bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do những đặc thù riêng của vùng này.

Bà NGUYỄN THANH THUỶ - Phó Ban Tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Đội ngũ cán bộ cơ sở còn băn khoăn, lo lắng thậm chí bức xúc về áp lực công việc vì sau sát nhập, có những địa bàn từ xã xuống bản đi  mất từ 20 đến 30km từ bản ra nhà văn hoá cũng phải 10-15km, hội viên phụ nữ tại những địa bàn này lại chủ yếu đi bộ, một bộ phận có xe máy thì cũng rất ngại đi sinh hoạt do đường đi hiểm trở. “

Bên cạnh những thách thức do quản lý hành chính, vấn đề an ninh, quốc phòng thì phản ánh từ các địa phương cũng cho thấy, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc sắp xếp cũng ảnh hưởng cả vấn đề văn hoá truyền thống, đến các chính sách an sinh xã hội cũng như suất đầu tư của các địa phương này, đặc biệt là khi sát nhập giữa một xã đặc biệt khó khăn với một xã bình thường. 

Ông TRẦN QUỐC HUY - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hoá: “Hiện nay chưa được phụ cấp đặc thù cho thị trấn Mường Lát do thị trấn không có tên trong danh sách các đơn vị được hưởng mặc dù xã Tắn Tằn là xã được sát nhập vào thị trấn mà chiếm đến 92% diện tích của Thị trấn, trước khi sát nhập họ được hưởng phụ cấp đặc biệt”

Bà TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG- Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn: “Đối với miền núi, việc đưa ra các tiêu chí sát nhập chưa thực sự phù hợp, việc sát nhập ảnh hưởng đến lợi ích của người dân các chính sách xã hội như y tế, giáo dục. Việc đầu tư sẽ tính toán thế nào khi một xã đặc biệt khó khăn sát nhập với một xã bình thường.”

Bà ĐINH THỊ THẢO - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình: “Có những câu chuyện rất khôi hài, những xã của đồng bào Thái của huyện Mai Châu, tên Pù Bin, Noong Luông, Thung Khe nghe đã thấy người Thái rồi thì lúc sát nhập chúng ta không chỉ đạo lãnh đạo đảm bảo được yếu tố truyền thống lại lấy tên hết sức phổ thông là Thành Sơn cũng như Suối Nánh và Đồng Nghê không ông nào chịu mất tên.”

Từ thực tiễn sắp xếp các đơn vị hành chính  thời gian qua, các đại biểu cho rằng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số không phải chỉ sắp xếp theo cơ học, ngoài tiêu chí về diện tích và dân số, cần quan tâm đến các yếu tố về dân tộc, phong tục tập quán, lịch sử, vùng miền, chính sách đặc thù, để đảm bảo quyền lợi của người dân, sự phát triển của địa phương cũng như phát huy bản sắc văn hoá dân tộc./.

Khánh Hoàng