Quyền tiếp cận Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca của người dân là không thể hạn chế, ĐBQH đề nghị quy định trong luật

Sáng 28/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ, tăng 10 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2.

Theo chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Hiện còn một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cần đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận cho ý kiến gồm: Vấn đề giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước;

Đối với quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, đại biểu Lê Minh Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng đặc thù của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, là biểu tượng quốc gia. Do đó, cần có quy định riêng để điều chỉnh và phải được đối xử đặc biệt hơn so với các tác phẩm văn học nghệ thuật thông thường khác.

Ông LÊ MINH NAM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: “Nhất trí đề xuất bổ sung quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca. Từ thực tế vừa qua đã có một số vụ việc gây ảnh hưởng đến quyền của người dân trong việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Dưới góc độ bản quyền nếu không quy định cụ thể quyền tác giả và quyền liên quan sẽ có thể phát sinh trường hợp nhân danh quyền tác giả để có hành vi cản trở, ngăn chặn sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam.”

Về xử phạt hành chính, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và dự thảo luật được tiếp thu theo hướng này. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Thái Nguyên, cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn, vì nếu chỉ thực hiện theo biện pháp hành chính, nhiều trường hợp không đủ sức răn đe. Mức nộp phạt hành chính thấp hơn nguồn lợi thu được từ vi phạm nên họ sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt. Nếu không có biện pháp mạnh hơn thì tình trạng vi phạm tiếp tục xảy ra.

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: “Thông lệ quốc tế chủ yếu giải quyết, xử lý tại Tòa, còn biện pháp hành chính của chúng ta mang tính nội luật nhiều. Theo xu hướng hội nhập cũng cần đưa vấn đề ra Tòa xử lý ở các mức độ khác nhau đảm bảo sự phù hợp. Đề nghị nên có sự phân loại trường hợp xử lý tại tòa, trường hợp xử lý hành chính.

Trong khi đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba, đoàn Bình Định, nhận thấy, phương án giữ như luật hiện hành là xác đáng. Bởi lẽ, vi phạm sở hữu trí tuệ cũng có thể vi phạm trong giao dịch dân sự hoặc trong xâm phạm việc bảo đảm trật tự quản lý hành chính Nhà nước.

Ông ĐỒNG NGỌC BA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Giữ nguyên như hiện hành là có cơ sở về lý thuyết và thực tiễn Việt Nam, không mâu thuẫn gì về việc vừa giải quyết hành chính, vừa giải quyết tranh chấp dân sự tại toà án. Tuỳ tính chất vi phạm, nếu dân sự thì giải quyết dân sự

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, áp dụng xử lý hành chính không làm hạn chế hay loại trừ việc các đương sự khởi kiện ra toà vì đây là hai vấn đề khác nhau. Việc kiện ra toà nhằm yêu cầu bồi thường thiệt hại, còn xử lý hành chính là công cụ của Nhà nước yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, lập lại trật tự. Hơn nữa, quan hệ sở hữu trí tuệ bản chất dân sự nhưng là “dân sự đặc thù” vì còn tác động đến toàn xã hội thông qua các sản phẩm hàng hoá ra thị trường, nếu không bảo vệ tốt thì trước hết người tiêu dùng bị thiệt hại.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là công cụ đảm bảo quản lý Nhà nước, do đó nếu thu hẹp đối tượng sẽ dẫn đến tăng vụ việc chuyển sang tố tụng dân sự với đặc điểm thời gian, chi phí tốn kém trong khi xử lý hành chính nhanh gọn, thủ tục đơn giản, chi phí thấp và có thể chấm xứt ngay hành vi vi phạm.”

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các ý kiến đóng góp cụ thể, nhiều vấn đề chi tiết, trong đó, đề nghị làm rõ thêm một số điều khoản và chỉnh lý về mặt kỹ thuật văn bản. Phó Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, có văn bản gửi đến các đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.
 

Thanh Nga