Quy định thống nhất trong việc thành lập thanh tra cấp sở

Thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), vấn đề về tiêu chí thành lập và thẩm quyền thành lập thanh tra sở của ủy ban nhân dân cấp tỉnh là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

 Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, trong đó có thanh tra huyện như hiện hành, đồng thời chuyển thanh tra một số sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập Phòng thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trong luật hoặc giao Chính phủ quy định rõ việc thành lập thanh tra cấp sở để thống nhất việc thực hiện trên toàn quốc.

Ông NGUYỄN ĐẠI THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: "Việc thành lập thanh tra tại các sở, ngành khác nên trao quyền quyết định cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là phù hợp. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động trong việc quyết định tổ chức bộ máy, cơ quan chuyên môn tại địa phương, vừa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, vừa bảo đảm sự thống nhất tương đối về bộ máy thanh tra trên toàn quốc."

Ông TRẦN NHẬT MINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: "Dự luật cần quy định rõ nguyên tắc UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở, trong đó việc thành lập Thanh tra Sở tại một số Sở có phạm vi rộng, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp cũng do UBND tỉnh quyết định thành lập nhằm đảm bảo tính thống nhất, bình đẳng giữa các tổ chức này."

Ông PHẠM ĐÌNH THANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: "Phạm vi quản lý và yêu cầu quản lý chuyên ngành của từng sở đã rất rõ, nên căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các sở, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được quy định tại nghị định này để cấp trung ương quy định việc thành lập, thống nhất tổ chức thanh tra cấp sở trong cả nước, tránh tình trạng các địa phương thực hiện khác nhau, thậm chí việc thành lập hoặc không thành lập là do nhận thức của địa phương hoặc là do áp lực về biên chế mà chưa thực sự căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương."

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chỉ những sở đặc biệt thì mới thành lập cơ quan thanh tra đi cùng với đó là phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện.

Ông TRẦN ĐÌNH GIA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: "Theo cá nhân tôi thì chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Hiện nay tất cả những vướng mắc, những chồng chéo và những việc gây phiền hà ở cơ sở chủ yếu là nội dung này. Bởi vì, tất cả các sở đều có cơ quan thanh tra, có những đối tượng thanh tra, tôi lấy ví dụ như một trường học chẳng hạn, thanh tra các chuyên ngành của Sở Giáo dục, thanh tra của Sở Tài chính, thanh tra của Sở Nội vụ, như vậy là có những năm liên tục đón các Đoàn thanh tra và trong hình ảnh của đối với giáo viên, đối với học sinh, đối với phụ huynh, nhà trường không còn thân thiện nữa."

Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Dự Luật cần quy định nguyên tắc khi Chính phủ quyết định các Sở được tổ chức thanh tra thì cần tính đến đặc điểm của từng địa phương, đặc biệt là với các địa phương có quy mô, diện tích, dân số lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không nên đánh đồng các đơn vị với nhau.