Phức tạp tình trạng xả thải bẩn vào hệ thống thủy lợi

Thời gian qua mặc dù ngành chức năng các địa phương đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi trên cả nước. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn nan giải khi các doanh nghiệp sản xuất công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện để xử lý nước thải vẫn được phép tồn tại. Tình trạng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ dân xả nước, rác thải sinh hoạt, xác gia súc, gia cầm ra môi trường vẫn diễn ra phổ biến.

Tình trạng xả thải gây ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải nhiều năm qua luôn là mối lo ngại của người dân.

Việc sử dụng nguồn nước bẩn gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê, hiện có gần 3600 nguồn thải xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trong đó, nước thải sinh hoạt chiếm 58,81%; nước thải công nghiệp chiếm 24,60%.

Ghi nhận tại Khu Công nghiệp dệt may phố Nối B ở huyện Mỹ Hào, Hưng Yên giữa tháng 3 vừa qua. Hệ thống thoát nước bị quá tải, khiến lượng lớn nước thải chưa qua xử lý tràn ra môi trường. Nước đen đặc như dầu thải, kèm theo mùi hóa chất nồng nặc. Nếu không bị phát hiện, với tốc độ xả như thế này không ai biết có bao nhiêu m3 nước bẩn đã chảy ra sông.

Thực tế, hiện không ít doanh nghiệp và cộng đồng dân cư vẫn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên nước. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới một số chỉ tiêu đánh giá mức độ ô nhiễm của nước thải ở nhiều thời điểm trên sông vượt quá tiêu chuẩn hơn 10 lần.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật tài nguyên nước sửa đổi vào cuối năm ngoái, Bộ TNMT đã xây dựng dự thảo nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với mức phạt tăng 2 – 3 lần so với trước đây, nhằm răn đe các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Giang -

Công Kiên