Phòng thủ dân sự: Hành lang pháp lý cho khắc phục hậu quả sự cố thảm họa

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng thủ dân sự - dự án Luật đầu tiên về quân sự, quốc phòng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15. Các tác động của luật này đến đời sống khi luật có hiệu lực từ tháng 7 năm sau là như thế nào?

Phòng thủ dân sự được hiểu là các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Đó có thể do thiên nhiên hay con người gây ra, nhưng đều vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng nơi xảy ra sự cố. Một số ví dụ ở nước ta như đại dịch Covid-19, sự cố môi trường Formosa, vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng, các trận lụt lội lịch sử...

Nhiều địa phương kỳ vọng khi luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực, sẽ có thêm cơ sở pháp lý để phòng chống và khắc phục các sự cố phòng thủ dân sự kể trên. Các câu chuyện sau đây được ghi nhận từ miền Trung, nơi phải hứng chịu nhiều thiên tai nhất cả nước. 

17 công nhân bị vùi lấp...13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh...trong quá trình cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 10/2020.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, huyện Phong Điền đã điều động các lực lượng, thậm chí phải mượn cả phương tiện cơ giới của cá nhân để tham gia ứng cứu nhưng hậu quả quá lớn, vượt khả năng ứng phó của chính quyền cấp huyện. Sau đó, huyện phải nhờ lực lượng vũ trang được cấp trên điều động.

Nay có Luật Phòng thủ dân sự, lãnh đạo kỳ vọng, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả các sự cố thiên tai như vậy về sau sẽ hiệu quả hơn.

Văn Linh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng trong trận lụt lịch sử hồi tháng 10/2022. Ngập lụt trong thời gian ngắn đã vượt mức chịu đựng của cơ sở hạ tầng,  gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Kinh nghiệm từ trận lụt này cho thấy cần thiết phải chủ động đánh giá nguy cơ, xác định cấp độ phòng thủ dân sự để chuẩn bị từ sớm, từ xa trên phương châm "4 tại chỗ" kết hợp với nguồn chi viện, hỗ trợ.

Luật Phòng thủ dân sự ra đời, sẽ xác định rõ 3 cấp độ phòng thủ dân sự, từ đó làm cơ sở cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, và Thủ tướng ban bố, huy động các nguồn lực cần thiết để kịp thời khắc phục thiên tai, thảm họa xảy ra.

Kinh nghiệm quốc tế trong sử dụng nguồn lực ứng phó và khắc phục thảm họa

Trong nước là vậy, còn trên thế giới, trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào tháng 2 vừa qua, thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản hay các trận bão, lũ lớn trên thế giới đều là những sự cố gây thiệt hại khổng lồ về người và của. Việc quản lý rủi ro thảm họa và xây dựng năng lực ứng phó đều là các công tác phòng thủ dân sự được tất cả quốc gia quan tâm, thành lập các lực lượng chuyên trách và xây dựng các nguồn quỹ cho công tác này. 

Tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đã xây dựng và thực hiện thống nhất một cơ chế quản lý và chỉ huy tập trung với việc thành lập Ủy ban quốc gia về phòng, chống lũ lụt và khô hạn.

Chính phủ Trung Quốc cũng có Cơ quan dự báo thiên tai và thành lập các Quỹ cứu trợ theo thời điểm để khắc phục các hậu quả thiên tai cụ thể . Đơn cử, như sau trận lũ nghiêm trọng xảy ra vào đầu tháng 7 năm 2022 , 320 triệu nhân dân tệ đã được chi cho quỹ khẩn cấp để giúp người dân khắc phục hậu quả .

Trong khi đó, tại Mỹ , nước này thành lập Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) dựa trên Luật Công với một Quỹ Cứu trợ thảm hoạ. Cơ quan này sẽ quản lý và điều phối Quỹ cũng như nguồn lực dựa trên báo cáo hàng tháng về các khoản tài trợ, các hoạt động cứu trợ theo tiểu bang và theo sự kiện . Quỹ cứu trợ này cũng được dùng cho việc sửa chữa và khôi phục cơ sở hạ tầng công cộng bị thiệt hại do thiên tai. Quỹ này cũng chi cho việc khuyến khích các sáng kiến giảm thiểu rủi ro từ thảm hoạ và hỗ trợ tài chính cho những người sống sót sau thảm họa. 

Luật Phòng thủ dân sự: Chuẩn bị từ sớm từ xa

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hàng năm, đất nước ta gánh chịu không biết bao nhiêu thảm hoạ thiên tai khó lường. Trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, Quốc hội đã kịp thời thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Những quy định mới của Luật này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để công tác phòng thủ dân sự được thực hiện chủ động, với phương châm “từ sớm, từ xa” “phòng là chính”, “phòng hơn chống”. 

Vụ cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông tại Hà Nội năm 2019.

Đây không chỉ là 1 vụ hỏa hoạn thông thường mà là 1 sự cố hoá học rất phức tạp. Nếu không kịp thời huy động lực lượng phòng hóa của Bộ Quốc phòng đến xử lý, lượng thủy ngân có thể phát tán gây ra hậu quả khôn lường. Đối với những sự cố có yếu tố thảm hoạ như vậy, giờ đây đã có cơ chế pháp lý về Phòng thủ dân sự. Theo đó, Luật quy định 3 cấp độ để kịp thời khắc phục, ứng phó trước, trong và sau khi xảy ra thảm họa, sự cố.

Trưởng đoàn cứu hộ cứu nạn của QĐND Việt Nam trong vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua chia sẻ một kinh nghiệm xương máu: các thảm hoạ thì luôn khó lường nên để giảm thiểu thiệt hại thì quan trọng nhất là phải có sự chuẩn bị từ trước khi sự cố xảy ra.
Cùng với tinh thần này, trong Luật Phòng thủ dân sự, Quốc hội đã cho phép thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự trước khi thảm họa, sự cố xảy ra.

Để đảm bảo sự tập trung, thống nhất trong chỉ đạo trong sự cố khẩn cấp, Luật cũng quy định “ Tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia”.

Việc phân cấp độ thảm hoạ trong Luật Phòng thủ dân sự chính là sự phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu UBND các cấp. Một mặt, các địa phương được chủ động ứng phó và khắc phục thảm hoạ. Mặt khác, khi sự cố vượt tầm kiểm soát, địa phương sẽ nhận được sự cứu trợ kịp thời từ các cấp cao hơn. 

Luật Phòng thủ dân sự sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2024. Từ nay đến đó, Bộ Quốc Phòng sẽ cần xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về phân định trách nhiệm cụ thể của các bên để hạn chế các sự lúng túng, bối rối, chồng chéo khi xảy ra thảm hoạ. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nguyễn Hùng -

Tiểu Bảo -

Đào Bảo -

Anh Khoa -

Khắc Phục -

Cao Hoàng