Phát triển làng nghề cần cân bằng kinh tế và môi trường

Phần lớn hoạt động sản xuất ở các làng nghề trên cả nước đều có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất còn hạn chế. Thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu, thiếu công trình hạ tầng thu gom và xử lý nước thải. Đây cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề trở thành “điểm nóng” ô nhiễm. Thậm chí là nguồn cơn cho “làng ung thư” hiện diện. Đáng nói, tại nhiều địa phương, tình trạng ô nhiễm làng nghề còn đang gặp khó trong việc tìm ra các biện pháp tháo gỡ.

Xã Cẩm Xá (tỉnh Hưng Yên) được mệnh danh là thủ phủ thu gom rác thải điện tử lớn nhất cả nước. Rác sinh hoạt, rác điện tử lẫn lộn được đốt tự do, không đảm bảo quy định.

Tại Nam Định, hoạt động tái chế nhôm hàng ngày của người dân làng Bình Yên đã khiến cuộc sống của họ chẳng thể giống như cái tên của nơi mình đang sống. Nhiều biện pháp bảo vệ môi trường đã được áp dụng nhưng cũng không đem lại hiệu quả.

Tất cả đều nói không có hệ thống máy móc, công nghệ xử lý ô nhiễm làng nghề đặc thù. Khi xử lý mỗi nơi áp dụng 1 kiểu, không ai theo một phương pháp nào.

Nhiều địa phương đã xây dựng các cụm công nghiệp để sản xuất tập trung. Nhưng trên thực tế, ô nhiễm còn lan rộng từ làng nghề sang cả cụm công nghiệp. Các chuyên gia nhận định, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quan trọng giúp giảm ô nhiễm làng nghề.

Theo các chuyên gia, cần xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ làng nghề, đối với cơ sở thực hiện tốt bảo vệ môi trường.

Tăng cường vai trò giám sát của chính quyền cơ sở đối với công tác bảo vệ môi trường làng nghề; tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh cao.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hà Giang -

Đào Nghĩa