Phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Phát triển kinh tế, xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là yêu cầu rất cần thiết và mang tính lâu dài. Đây cũng là xu thế chung, buộc chúng ta phải thực hiện để hướng tới phát triển bền vững; cụ thể hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Những nội dung này đều được các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội nhất trí tại Hội thảo "Phát triển kinh tế, xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học" diễn ra, do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức vừa qua.

Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học,… mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp. Một số nơi vẫn đang ở mức đáng báo động. Theo các chuyên gia, nguy cơ này nếu không có giải pháp để kiểm soát, xử lý kịp thời sẽ tác động lớn đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng Quang cho rằng, để hài hoà giữa mối quan hệ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo môi trường, tất cả dự án trước khi hoàn thành phải có công cụ kiểm soát; đảm bảo sàng lọc đạt quy chuẩn các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Cũng theo các chuyên gia, vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Thời gian qua, Quốc hội luôn thực hiện tốt vai trò giám sát trong các dự án liên quan đến vấn đề môi trường, là cơ sở định hướng cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan thực hiện. Nhiều dự án không bảo đảm yếu tố về bảo vệ môi trường, bảo đảm đa dạng sinh học đã bị dừng triển khai.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Giang -

Công Kiên